Hệ sinh thái thông minh thúc đẩy du lịch Ninh Bình tăng tốc
Với mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch theo hướng thông minh, ngành du lịch Ninh Bình đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách, kết nối chuỗi giá trị du lịch.
Thời gian qua, ngành du lịch Ninh Bình đã không ngừng đổi mới, nắm bắt các xu hướng phát triển, cập nhật ứng dụng phần mềm tiên tiến trong công tác quảng bá, giới thiệu du lịch Ninh Bình - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn.

Theo đó, nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai để nâng cao trải nghiệm của du khách và hiệu quả trong công tác quản lý. Các khu, điểm du lịch phát triển ứng dụng di động, cung cấp thông tin chi tiết về điểm tham quan, dịch vụ và các tính năng đặt vé, thanh toán trực tuyến giúp du khách lập kế hoạch thuận tiện hơn. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường tại một số điểm du lịch như Tràng An và Tam Cốc - Bích Động giúp du khách khám phá các điểm đến một cách sống động trước khi đến.
Khi xem fanpage và tiktok, chị Thùy Linh (Nam Định) ấn tượng với nhiều danh thắng của Ninh Bình, nhất là mùa lúa chín tại Tam Cốc; mùa bướm ở rừng Cúc Phương hay hình ảnh từng đàn chim bay rợp trời tại Thung Nham… “Sau đó, tôi tiếp tục vào Google tìm kiếm thêm thông tin, xem lưu ý khi đi du lịch Ninh Bình trong các mùa rồi vào các trang để đặt vé, đặt phòng. Chính vì đã tìm hiểu thông tin nên khi đến đây tôi cảm thấy thoải mái, không gặp nhiều bỡ ngỡ”.
Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư là một trong các điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đến Ninh Bình. Trung tâm đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động với nhiều thứ tiếng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm hiểu và trải nghiệm.

Bày tỏ sự hài lòng trong quá trình tham quan di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, ông Trần Quang Thái (Hưng Yên) cho biết: “Chỉ bằng một thao tác đơn giản, tôi đã được biết đầy đủ thông tin về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, các hình ảnh của di tích. Chúng tôi thấy chuyến đi thuận tiện, ý nghĩa và trọn vẹn”.
Chị Nguyễn Thị Ngân, thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: “Trung tâm đã và đang thực hiện chuyển đổi số qua thuyết minh điện tử, xây dựng các video tư liệu và tăng cường công tác tuyên truyền qua công nghệ số để tiếp cận du khách, để du khách dễ hiểu và dễ hình dung hơn về khu di tích”.
Ngành du lịch Ninh Bình cũng đồng thời triển khai phần mềm Hướng dẫn viên du lịch ảo và Chatbot AI để hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin nhanh chóng và hiệu quả; tích cực quảng bá trên các nền tảng số, giúp tiếp cận đối tượng khách hàng rộng rãi và đa dạng.

Nhờ chuyển đổi số, quá trình mua vé và trải nghiệm của khách các điểm du lịch trên địa bàn thuận tiện hơn. Hệ thống thuyết minh tự động và ứng dụng công nghệ thực tế ảo tại các điểm đến giúp người tham quan nâng cao chất lượng trải nghiệm.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số chính là lời giải trong việc tạo ra một hệ sinh thái du lịch và kết nối chuỗi giá trị. Ngành du lịch Ninh Bình đã sẵn sàng kết nối với các lĩnh vực, các ngành, các sản phẩm cũng như các tỉnh, thành phố để không chỉ quảng bá các địa điểm mà còn là các sản phẩm; không chỉ xem gì mà còn ăn gì, mua gì, chơi gì...
Bà Trần Diệp Anh, Quản lý Phố cổ Hoa Lư, cho biết, dự kiến sẽ tập hợp 50 - 100 bạn trẻ để sản xuất nội dung quảng bá du lịch Ninh Bình. “Với đội ngũ này, chúng tôi sẽ cung cấp các tuyến bài, tuyến nội dung phù hợp với các sản phẩm, khu, điểm du lịch địa phương. Họ sẽ làm việc với những chuyên gia Tiktok, chuyên gia Facebook, để trở thành những người xúc tiến, quảng bá cho du lịch Ninh Bình; dùng công nghệ kết nối sản phẩm địa phương đến khách du lịch”.