Hệ quả của mục tiêu phổ cập giáo dục
Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về nhiều học sinh bậc THCS ở nhiều địa phương chưa đọc thông, viết thạo và không làm được phép tính chỉ với hai con số. Chuyện thật mà ngỡ như đùa, khiến công luận hết sức bức xúc và đặt nhiều câu hỏi về chất lượng giáo dục hiện nay.

Kể từ sau khi có nghị quyết T.Ư (Khóa VIII), giáo dục được khẳng định là “Quốc sách hàng đầu”, Nhà nước đã dành nhiều quan tâm cho sự nghiệp này. Đầu tư cho giáo dục năm sau luôn cao hơn năm trước (từ 15% - 17% - 20% tổng NSNN), đó là chưa kể vốn vay từ nước ngoài và gần 3.000 tỷ đồng công trái giáo dục.
Cùng với đầu tư của Nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục đã huy động sự đóng góp của nhân dân vô cùng to lớn, chiếm xấp xỉ 50% tổng ngân sách cho “Quốc sách hàng đầu”. Đào tạo giáo viên cho ngành giáo dục được nhiều ưu đãi hơn hẳn các ngành đào tạo khác. Lương của cán bộ giáo viên được cải cách nhiều. Tuy nhiên, kết quả giáo dục thật sự chưa tương xứng với đầu tư và mong muốn của Đảng, Nhà nước cũng như niềm tin, hy vọng của nhân dân, thể hiện rõ nhất qua chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông trong nhiều năm qua.
Thực trạng trên là hệ quả của một nền giáo dục phổ thông, theo kiểu mục tiêu phổ cập đang có nhiều bất cập, chứng tỏ chất lượng dạy và học quá thấp, không thực chất, chỉ là hình thức, đáng báo động. Nói về nguyên nhân có lẽ là rất nhiều, song tựu trung có thể thấy rõ ở những nguyên nhân chính sau:
1. Giáo dục ở bậc học phổ thông của chúng ta bộc lộ nhiều mặt chưa phù hợp với thực tế. Bệnh chạy đua thành tích một cách hình thức tồn tại đặc biệt nặng nề ở các cấp, các trường. Đó là cuộc chạy đua để có danh hiệu trường tiên tiến, xuất sắc, trường chuẩn, trường điểm... Muốn thế phải có nhiều lớp khá, giỏi, không có học sinh lưu ban, yếu kém. Từ đó kém cần phải được đẩy lên trung bình, trung bình đẩy lên khá, khá đẩy lên giỏi… cốt cho đủ tỷ lệ để đạt tiêu chuẩn thi đua mà ngành đã đề ra, bất chấp chất lượng dạy của giáo viên và học thực chất của học sinh.
2. Việc đề ra mục tiêu hoàn thành phổ cập của ngành giáo dục, cụ thể là phải đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, phải được phổ cập, dẫn đến không ít địa phương vì chạy theo chỉ tiêu, mốc thời gian đạt phổ cập mà chỉ đạo ngành giáo dục bằng mọi giá tiến hành phổ cập tiểu học cho các em, sau đó đẩy các em lên bậc học tiếp theo rồi lại tiếp tục phổ cập ở bậc THCS...
Ngày 26.7.2006, Bộ GD-ĐT có văn bản số 6470/BGDĐT-GDTrH có quy định rõ “mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục THCS trong cả nước vào năm 2010”… Theo đó, không ít địa phương đã quán triệt và đưa vào nghị quyết để bằng mọi giá phải đạt cho được các danh hiệu và tiêu chí mà Bộ đề ra, bất chấp chất lượng thực tế của việc dạy và học ở địa phương.
Khi Nghị quyết đã được thông qua, nó trở thành quy phạm bắt buộc. Các nhà quản lý giáo dục dù muốn hay không cũng phải chỉ đạo đạt cho bằng được như: học sinh đã đi học là lên lớp, đã đi thi là đỗ, để được công nhận phổ cập… thậm chí có trường hợp không học, không thi cũng được đưa vào danh sách được phổ cập. Có ai dám đứng lên để nói thẳng sự thật là với tiêu chí đó, thời hạn đó không thể thực hiện được trước tình hình thực tế của địa phương hay không?
3. Nhiều năm nay, cải cách giáo dục chỉ chú ý đến thay chương trình, thay sách giáo khoa, biên soạn cải cách sách giáo khoa mà không quan tâm đến việc thay đổi, cải tiến để nâng cao chất lượng dạy và học. Chương trình quá nặng, nhồi nhét, song lại dàn trải. Tình trạng giáo viên cắt xén chương trình chính khóa để mở lớp dạy thêm, gò ép học sinh phải đi học thêm để tăng thu nhập dẫn đến việc học sinh phải xoay như chong chóng với lịch học kín mít, dày đặc, làm không ít em chán nản, trây lười. So với các thế hệ trước, phần lớn học sinh bây giờ thụ động, không tự học, tự đào sâu suy nghĩ, thực hành mà ỷ lại vào thầy, vào học thêm, vào “sách mẫu”…
4. Bên cạnh đó do yếu tố lịch sử để lại, cách đây khoảng hơn một thập niên về trước, nhiều địa phương thiếu giáo viên tiểu học trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, nhiều nơi đã lấy cán bộ thư viện, nhân viên phục vụ, kế toán đi bồi dưỡng lớp giáo viên cấp tốc chỉ trong vài tháng là về nghiễm nhiên đứng lớp giảng dạy. Lẽ dĩ nhiên, chất lượng giảng dạy của đa số “giáo viên” này chắc chắn không thể đảm bảo.
Thiết nghĩ đã đến lúc, ngành giáo dục cần kiểm tra, rà soát lại một cách toàn diện chất lượng học sinh bậc học phổ thông nhằm phát hiện những trường hợp học sinh ngồi “nhầm chỗ” như báo chí đã đưa để có hướng giải quyết hợp lý, mà mục đích chính là trả lại chất lượng giáo dục thực chất cho các em.
Trần Kim Hùng
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam