Hệ lụy từ một cái chết
Thượng viện Mỹ đã có phiên bỏ phiếu vinh danh những cá nhân tham gia vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, một phiên bỏ phiếu hiếm hoi ngoài lịch trình giống như lần thông qua ngân quỹ khẩn cấp sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001. Tổng thống Barack Obama đã làm được điều mà hai người tiền nhiệm đeo đuổi bất thành, tạo thêm cho uy tín của ông trong việåc bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy vậy, cái chết của bin Laden cũng để lại những hệ lụy với chính sách đối ngoại của Mỹ.
![]() Chính sách ngoại giao Mỹ sẽ thay đổi như khẩu hiệu tranh cử xưa kia của Tổng thống Mỹ Obama sau khi trùm khủng bố bin Laden bị tiêu diệt ? |
Nguồn: ITN |
Mối lo lớn nhất đặt ra cho Mỹ là chiều hướng quan hệ với đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố - Pakistan. Chiến dịch tiễu trừ bin Laden đã diễn ra tuyệt đối bí mật ngay trước mũi Học viện Quốc phòng Pakistan, nơi tập trung những đầu óc tinh nhuệ nhất của quốc gia Nam Á này. Người ta buộc phải đặt ra nhiều câu hỏi về sự tồn tại của khu nhà mà trùm khủng bố đã ẩn náu trong ít nhất là 5 năm qua như tình báo Mỹ xác định được. Vì sao sự tồn tại của một khu nhà trị giá tới 1 triệu USD lại không phải là điểm nổi bật giữa một khu chỉ toàn các gia đình trung lưu? Tại sao một khu nhà có tường rào cao và dây thép gai, sinh hoạt ẩn dật không phải là sự chú ý của những công bộc chính quyền địa phương?... Rất nhiều điều nghi vấn và đương nhiên cũng sẽ chẳng có câu trả lời. Pakistan có thể đã thừa nhận sự xấu hổ vì trùm khủng bố ung dung sống nhiều năm liền ở gần sát thủ đô của họ, nhưng bí mật chắc chắn sẽ không được làm sáng tỏ. Chúng ta mới biết được rằng, chiến dịch do đích thân Tổng thống Mỹ ra lệnh và chỉ huy trực tiếp qua tín hiệu hình vệ tinh và đặc nhiệm Mỹ ra vào như chỗ không người trên không phận Pakistan. Một điều đã rõ, là Pakistan đã lĩnh một đòn đau ngay trong nhà mình trước vị khách hào phóng. Việc phải mất 15 tiếng sau khi có thông tin về chiến dịch được truyền thông đăng tải Pakistan mới có thông cáo bày tỏ quan điểm đủ cho thấy chính quyền Pakistan đã bị động đến mức nào.
Hàng năm, chính quyền Mỹ dù do đảng Cộng hòa hay Dân chủ nắm giữ đều không tiếc tiền đổ hàng tỷ USD để mua lấy sự hợp tác của Pakistan. Ngay như hiện tại, chính quyền Tổng thống Obama đang trình Quốc hội dự thảo ngân sách viện trợ 3 tỷ USD cho Pakistan bên cạnh khoản 2,3 tỷ USD viện trợ không hoàn lại cho quân đội nước này. Nhưng khi tiền được xuất đều đặn mà hiệu quả thì ít, nội bộ Mỹ đã nghi ngờ Pakistan chơi trò hai mặt. Những thông tin trước đây về sự thỏa hiệp của tình báo quân đội Pakistan với một số nhánh của Taliban hay Al Qaeda được tung ra ở mức giới hạn đánh động, nay việc bin Laden ẩn náu ngay gần thủ đô trong một thời gian dài sẽ là cơ sở khiến mối nghi ngờ như được khẳng định. Xung quanh phiên bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ, các nghị sĩ đã đòi hỏi phải có sự giải trình rõ ràng của Pakistan. Thượng nghị sĩ Ted Poe còn đang chuẩn bị dự thảo đề nghị ngừng viện trợ ngay lập tức đến khi nào độ tín nhiệm của Pakistan được chứng thực. Nhưng “bỏ” Pakistan không phải là chuyện dễ. Với vị trí ở tuyến đầu chống khủng bố tại khu vực, hổng Pakistan sẽ kéo theo hệ quả dây chuyền mà nghiêm trọng nhất là nguy cơ mất sạch công sức và tiền của ở Afghanistan.
Cuộc chiến ở Afghanistan đã trải qua hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ nhưng kết quả vẫn là điều tranh cãi. Afghanistan có một chính quyền dân cử nhưng với nhiều người ở trong cũng như ngoài quốc gia này, chính quyền đó giống như một cánh tay nối dài từ Washington. Mỹ đã có kế hoạch rút quân từ Afghanistan về nước, giảm quân số từ khoảng 100.000 binh sĩ xuống còn 15.000 - 20.000 người. Ở Washington, một bộ phận nhìn nhận cái chết của bin Laden như một tín hiệu có thể chấm dứt sự hiện diện của lính Mỹ tại chiến trường đầy khó khăn và đồng thời giảm được việc tiêu pha ngân sách. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng bin Laden chỉ là kẻ thù số một của nước Mỹ còn ở Afghanistan, trùm khủng bố vẫn được một bộ phận coi là anh hùng, bởi vậy, cuộc chiến chống khủng bố mới có được thành quả đầu tiên chứ không thể đã vào giai đoạn kết thúc. Đại diện cho quan điểm này là thượng nghị sĩ John McCain.
Nhưng dù gì thì việc cấu trúc lại chính sách cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ bước vào một giai đoạn mới, ở đó đối thoại sẽ có cửa rộng hơn. Bin Laden giữ vai trò như một liều thuốc tinh thần của tổ chức Al Qaeda và phong trào Taliban ở Afghanistan, khi mất liều thuốc này, sức mạnh của tổ chức khủng bố sẽ suy giảm không tránh khỏi dù cho một số nhánh phái của nó không chịu buông xuôi. Đối thoại là cách duy nhất có thể mở cửa cho Taliban tồn tại trong một môi trường hợp pháp như điều đó đã diễn ra khi bin Laden chưa bị tiêu diệt.