CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) từng được biết đến với cái tên CTCP Hóa Chất Công Nghiệp Tân Long có tiền thân là Công ty TNHH Tân Long Vân được thành lập vào năm 2000. Với nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, năm 2006, Tân Long Vân chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP. Chủ tịch của Tân Long Group là ông Trương Sỹ Bá sinh năm 1967.
Lịch sử kinh doanh của Tân Long Group cho thấy, các lĩnh vực khai thác khoáng sản, buôn hóa chất, buôn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đến xuất khẩu gạo, đều ghi dấu ấn và gặt hái thành công.
Từ tháng 8.2011, khi Tân Long Group được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có thời hạn đến tháng 9.2012 (sau đó được thời hạn đến 5 năm/lần), hoạt động kinh doanh của công ty chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc giúp Tân Long Group góp mặt vào nhóm doanh nghiệp có doanh thu tỷ đô và duy trì từ đó. Đến nay, mảng nông nghiệp đóng góp hơn 80% doanh thu của Tân Long Group.
Năm 2022, ông Trương Sỹ Bá gây chú ý khi trở thành tân Chủ tịch của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (nông nghiệp BAF; mã chứng khoán: BAF). Với việc trở thành người lãnh đạo cao nhất của BAF, hệ sinh thái Tân Long Group vốn khá kín tiếng trên thị trường cũng dần lộ diện. Đặc biệt, cũng là lúc, giới đầu tư nhận thấy rõ nét mối quan hệ mật thiết giữa Tân Long Group và BAF.
Theo đó, mối quan hệ giữa Tân Long Group và BAF thể hiện rõ qua các khoản phải thu - phải trả. Mặc dù là một công ty chăn nuôi, tuy nhiên cấu trúc tài sản của BAF Việt Nam lại có tỷ trọng lớn từ các khoản phải thu - phải trả.
Thời điểm giữa năm 2021, tổng tài sản của BAF đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Trong đó, ngoài hàng tồn kho giá trị 1.233 tỷ đồng, phần lớn tài sản còn lại của doanh nghiệp này nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn, ghi nhận hơn 4.626 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản. Trong khi đó, tài sản cố định của BAF chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ, gần 398 tỷ đồng, tức là chỉ hơn 5% tổng tài sản.
Trong danh sách các khoản phải thu, nhiều doanh nghiệp là các công ty trong hệ sinh thái Tân Long Group. Điển hình như: CTCP Tập đoàn Tân Long (645 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển dịch vụ Sơn La (567 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Thượng mại XNK Tân Thành Nam (430 tỷ đồng, Công ty TNHH ĐT Kinh doanh Nhật Tân (362 tỷ đồng), Công ty TNHH Nông nghiệp T&T (278 tỷ đồng)…
Đối ứng bên phần nguồn vốn, các khoản phải trả ngắn hạn cho các nhà cung cấp cũng chiếm tỷ trọng cao nhất, với gần 5.800 tỷ đồng, chiếm tới 2/3 tổng nguồn vốn của BAF Việt Nam.
Trong đó, những cái tên xuất hiện cũng là các thành viên liên quan đến Tân Long Group. Đơn cử như BaF nợ CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát hơn 954 tỷ đồng, CTCP CBOT Việt Nam 545 tỷ đồng, Công ty Nông nghiệp Bờ Biển Ngà hơn 552 tỷ đồng, Công ty TNHH SXTM DV Sơn Hưng gần 494 tỷ đồng, CTCP Nông Sản MOGB Quốc Tế hơn 410 tỷ đồng, CTCP Nông Nghiệp An Điền là 369 tỷ đồng…
Mở rộng lịch sử kinh doanh của BAF và Tân Long Group cho thấy, thời điểm năm 2019, BAF từng ghi nhận khoản vay nợ tài chính tới 1.844 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội chi nhánh Kinh Đô
Đáng chú ý, tài sản thế chấp cho khoản vay này là quyền đòi nợ liên quan đến các hợp đồng kinh tế giữa BAF Việt Nam và Tân Long Group, cùng một số công ty thành viên khác.
Trong hệ sinh thái của Tân Long Group, nông nghiệp BAF không phải là công ty duy nhất dùng cách này để huy động vốn. Thực tế, những thành viên chủ chốt của Tân Long cũng áp dụng cách thức tương tự và ngân hàng đối tác cũng là ngân hàng nêu trên.