Tham dự kỳ họp có: Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Trần Phước Sơn; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cùng lãnh đạo các Ban của HĐND, các sở ngành, địa phương.
Tại phiên họp, đại diện UBND thành phố đã có báo cáo về tình hình, kết quả khắc phục, xử lý các điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong thời gian qua, UBND thành phố đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo Công an thành phố, Sở GTVT, UBND các quận, huyện tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Qua đó, khắc phục kịp thời những bất cập về tổ chức giao thông, triển khai sửa chữa hạ tầng giao thông đảm bảo tiến độ 70 công trình. Trong đó đã thi công hoàn thành 144 công trình, đang chuẩn bị triển khai thi công 11 công trình và thực hiện chuẩn bị đầu tư 15 công trình; kiểm tra, rà soát thống nhất giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông tại 137 vị trí trên địa bàn các quận, huyện.
Đối với đường sắt, cơ quan chức năng đã tổ chức đóng 53/63 lối đi dân sinh, ngoài ra đã kịp thời phát hiện, tổ chức đóng ngay các trường hợp phát sinh mới theo quy định. Hiện còn 10 lối đi dân sinh chưa thể đóng tạm thời giữ lại để phục vụ giao thông trong giai đoạn chờ đầu tư xây dựng hoàn thiện đường gom dọc đường sắt, kết nối giao thông thông suốt giữa các đường ngang hợp pháp.
Tại 10 lối đi dân sinh nêu trên đã thu hẹp, lát đan tạo êm thuận, lắp đặt biển chú ý tàu hỏa… Ngoài ra, để xóa bỏ các lối đi tự mở còn lại trên địa bàn thành phố, lập lại hành lang toàn đường sắt theo Nghị định số 65 của Chính phủ, Sở GTVT đã kiến nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm triển khai các thủ tục xây dựng đường gom, đường ngang kết nối giao thông thông suốt để làm cơ sở đóng các lối đi dân sinh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Ban Pháp chế (HĐND thành phố) cho rằng, UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tầm soát, xử lý sớm các điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đó, cần làm rõ vai trò của Ban an toàn giao thông quận/huyện bởi hiện chức năng của Ban này ở địa phương chưa được thể hiện rõ nét.
Tại phiên họp, đại diện Ban Kinh tế, Ngân sách (HĐND thành phố) cũng đề nghị UBND thành phố làm rõ các kết quả triển khai các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó làm rõ những nội dung đã thực hiện và những vấn đề còn vướng mắc, chưa tháo gỡ được.
Đối với việc thực hiện Luật Đất đai mới có nhiều ưu điểm về giải tỏa đền bù và tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thuận lợi. Đại biểu HĐND thành phố đặt vấn đề, Luật Đất đai mới có những công thức cụ thể, từ đó địa phương có thể vận dụng để đưa ra những chính sách thực hiện phù hợp với thực tiễn. Từ bài học của TP. HCM, đại biểu kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo thực hiện nội dung này để sớm ban hành bảng giá đất.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến phản hồi của đại biểu HĐND liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, an toàn giao thông, giáo dục đào tạo, thực hiện nội dung kiểm toán... Giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND quận/huyện có báo cáo cụ thể, đồng thời sớm triển khai thực hiện.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng ghi nhận những nổ lực, cố gắng của UBND thành phố cũng như các sở, ngành trong việc thực hiện các kết quả giám sát, kiến nghị của Thường trực HĐND. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng 64 tài liệu (dự thảo nghị quyết, báo cáo) dự kiến sẽ trình tại kỳ họp HĐND cuối năm.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng đồng thuận với kiến nghị của UBND thành phố về việc sẽ tổ chức phiên họp Chuyên đề để xem xét, thông qua một số quyết sách quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, trong tháng 11, HĐND thành phố sẽ tổ chức chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ 6 nên đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tài liệu trả lời trên tinh thần các ý kiến nêu ra sẽ bám sát vào thực tiễn đời sống của người dân.