
Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Trọng Hiếu
Xem xét, thông qua chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Minh nhấn mạnh: Đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính lịch sử liên quan đến sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh. Những nội dung giải quyết vấn đề về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Kỳ họp sẽ xem xét, thông qua chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và chủ trương hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, xem xét thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; danh mục bổ sung các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất để thực hiện dự án đầu tư; chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2025 - 2030; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025…

Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu các tài liệu, cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, tập trung vào những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tập trung hoàn thiện hồ sơ liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long nêu rõ, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh có nhiệm vụ thảo luận cho ý kiến và xem xét thông qua 9 nghị quyết, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng, mang tính định hướng chiến lược, lịch sử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025.
Với nhiều nội dung quan trọng đó, Bí thư Tỉnh ủy gợi mở định hướng một số vấn đề trọng tâm cần tập trung thảo luận, cụ thể: Đối với việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã - đây là vấn đề hết sức quan trọng, có tính lịch sử, đã được Trung ương cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng và được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết với sự thống nhất rất cao. Việc xây dựng chính quyền cấp xã có quy mô hợp lý, bảo đảm việc tổ chức và triển khai các chương trình, chính sách hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nhờ bỏ cấp hành chính cấp huyện, tối ưu hóa nguồn lực, phát triển đồng bộ các lĩnh vực; giúp chính quyền địa phương 2 cấp được quản trị hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Trọng Hiếu
Đối với sáp nhập các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, đây là chủ trương hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch, bổ trợ lẫn nhau về kinh tế; tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội và đầu tư phát triển; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; tinh giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách.
Ngay sau khi Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung hoàn thiện hồ sơ liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, trình cơ quan có thẩm quyền bảo đảm tiến độ theo quy định; chủ động triển khai đề án, các phương án sắp xếp về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ; quản lý, xử lý tài sản bảo đảm đúng quy định… Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của tỉnh trên 10% để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện 5 đột phá chiến lược, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Quan tâm phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phục vụ chuyển đổi số; thực hiện tốt công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh phòng, chống làm giảm tội phạm về trật tự xã hội.

HĐND tỉnh cần tiếp tục rà soát các nghị quyết, chính sách đã ban hành làm cơ sở để bổ sung, sửa đổi sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, nhất là phương thức tổ chức các kỳ họp của HĐND; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, cùng với các cuộc giám sát đã đề ra theo kế hoạch năm 2025. Nâng cao hoạt động chất vấn tại kỳ họp, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phản biện, phân tích sâu, làm rõ những ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi.
Trước sự chỉ đạo, gợi mở của Bí thư Tỉnh ủy, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm liên quan đến các tờ trình, dự thảo nghị quyết. Theo đó, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh giải trình thêm về tiêu chí đặt tên một số xã; cần rà soát lại số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần làm rõ thẩm quyền của cơ quan ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn…
Tại kỳ họp, trên cơ sở xem xét toàn diện, kỹ lưỡng các nội dung, HĐND tỉnh đã thông qua 9 Nghị quyết quan trọng để cụ thể hoá chủ trương của Trung ương, của Tỉnh uỷ, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho đối tượng chịu tác động do sắp xếp
Nêu rõ những nhiệm vụ cần bắt tay triển khai ngay sau kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Minh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương cấp dưới xây dựng phương án bàn giao nguồn tài chính, ngân sách nhà nước để thực hiện bàn giao chính thức ngay khi cấp có thẩm quyền quyết định Đề án sắp xếp. Đồng thời, tập trung giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho các đối tượng chịu sự tác động do sắp xếp đơn vị hành chính các cấp; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Chỉ đạo các ngành, các cấp có kế hoạch triển khai cụ thể các nghị quyết của kỳ họp; thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ khó khăn; sớm khắc phục các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025.
Đề nghị Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh, chính quyền các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung triển khai bảo đảm thực hiện hiệu quả các Nghị quyết được thông qua. Các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy trách nhiệm của đại biểu dân cử, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tích cực chủ động nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn đời sống để kịp thời phản ánh, kiến nghị với HĐND, UBND và các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết của kỳ họp.