HĐND các tỉnh Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Thanh Hóa khai mạc Kỳ họp giữa năm
Ngày 8.7, HĐND các tỉnh Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Thanh Hóa đã khai mạc Kỳ họp giữa năm, tập trung xem xét, quyết định tình hình thực hiện nhiệm vụ KT – XH, bảo đảm QP – AN và giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh Khóa XV, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng điểm lại những thuận lợi, khó khăn và những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh 6 tháng đầu năm 2013; đồng thời nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Bảy có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, nhưng thời gian dành cho kỳ họp không nhiều. Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức kỳ họp bằng cách giảm thời gian đọc báo cáo và dành thời gian cho trao đổi, thảo luận tại kỳ họp. Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Vọng đề nghị các vị đại biểu HĐND nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tinh thần dân chủ, đóng góp vào sự thành công của Kỳ họp.
Báo cáo tại kỳ họp về tình hình KT - XH 6 tháng đầu năm 2013 của tỉnh cho thấy, tình hình KT - XH có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá so với năm 2012, ước tăng 8,19%. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các loại hình kinh doanh dịch vụ đã có sự phục hồi và tăng trưởng. Sản xuất nông nghiệp vượt qua những khó khăn của thời tiết, dịch bệnh đạt kết quả cao; vụ xuân được đánh giá là được mùa, năng suất lúa xuân cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.050,6 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 6,654 tỷ đồng, tăng 47,2% so với cùng kỳ... Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH năm 2013, 6 tháng cuối năm, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 66/2012/NQ - HĐND, ngày 21.12.2012 của HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng; giảm hàng tồn kho, nhất là hàng tồn kho bất động sản; cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư; đẩy mạnh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án đầu tư và tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường...
Trong 3 ngày diễn ra Kỳ họp, 8 – 10.7, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ xem xét, cho ý kiến báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; báo cáo hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND của tỉnh 6 tháng đầu năm 2013; báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ Bảy HĐND tỉnh; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu... Kỳ họp dự kiến sẽ thông qua 10 Nghị quyết.
Theo đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang, KT - XH 6 tháng đầu năm của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng là 9,2%; tổng thu ngân sách đạt 52,9% dự toán HĐND tỉnh giao; chi ngân sách tăng 20,4% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ... Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế tuy tăng so cùng kỳ nhưng đạt thấp so kế hoạch, có mặt giảm sút, nhất là kim ngạch xuất khẩu, sản lượng tôm nuôi, xuất khẩu thủy sản... làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng chậm, có khả năng không đạt mục tiêu cả năm. Văn hóa - xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và hoạt động dịch vụ văn hóa có mặt chưa tốt... Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết nhiệm vụ phát triển KT – XH, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 12,5%, những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm là: chỉ đạo rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là có biện pháp thúc đẩy sản xuất lĩnh vực phát triển chậm, đạt thấp như thủy sản, công nghiệp, vốn đầu tư; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực có điều kiện, tiềm năng như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ...
6 tháng đầu năm, KT – XH của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,8%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ. Tình hình chính trị ổn định; QP - AN được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với cùng kỳ, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, có 274 doanh nghiệp ngừng hoạt động; công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, tài nguyên khoáng sản còn hạn chế; số sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm còn lớn, nợ BHXH tiếp tục tăng...
Để hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm đạt 12,9% trở lên, Thanh Hóa xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm là: tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong thực thi công vụ...