Điểm yếu là khả năng thích ứng
- Dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa” (EWL) được triển khai năm 2022 - 2023 tại một số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Kết quả nổi bật của dự án là gì, thưa bà?
“Quan điểm của chúng tôi khi thiết kế dự án này là thay đổi tư duy để thích ứng tốt hơn với chuyển đổi số và toàn cầu hóa. Vì thế, dự án nhắm vào các nữ lãnh đạo đương nhiệm, từ trưởng, phó bộ môn trở lên. Đây là những người sẽ dẫn dắt về chuyên môn của đơn vị, cơ sở đào tạo”.
PGS.TS. TRẦN THỊ THANH TÚ
- Có thể nói, sau 2 năm triển khai, dự án đã đạt được tất cả mục tiêu đặt ra với một loạt hội thảo, đối thoại, đào tạo… Trong đó, đáng chú ý là thành lập được mạng lưới nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Đây là nơi các nữ lãnh đạo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và chuyên môn.
Hơn 600 thành viên mạng lưới này, ngoài trưởng, phó bộ môn trở lên trong các cơ sở giáo dục đại học trực tiếp tham gia dự án như Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên, các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội, còn có nữ lãnh đạo các trường đại học khối kinh tế như: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Ngoại thương, các trường ở khu vực miền Trung và miền Nam như: Trường ĐH Hà Tĩnh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Cần Thơ...
Bên cạnh đó, dự án có cấu phần xây dựng các hợp phần về đào tạo E-learning cung cấp kiến thức, kỹ năng cho nữ lãnh đạo để thích ứng tốt hơn với chuyển đổi số và toàn cầu hóa. Sau khi dự án kết thúc, các cấu phần này vẫn do Đại học Quốc gia Hà Nội quản lý và vận hành để có thể lan tỏa kết quả dự án đến nữ lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
- Quá trình thực hiện dự án, bà nhận thấy đâu là điểm yếu nhất của nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?
- Điểm yếu nhất chính là khả năng thích ứng với sự thay đổi rất nhanh trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vì thế, mục tiêu chính của dự án là cung cấp kiến thức, kỹ năng, cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, để họ thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số. Ví dụ như dự án cung cấp các học phần dưới dạng học trực tuyến, tổ chức các hội thảo trực tuyến, kết nối với các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, trọng tâm là các trường đại học ở Anh, để có thể chuyển giao, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị đại học cũng như trong giảng dạy và nghiên cứu để các nữ lãnh đạo thích ứng tốt hơn với toàn cầu hóa.
- Sau khi được trang bị kiến thức, kỹ năng, bà nhận thấy khả năng thay đổi và thích ứng của nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam ra sao?
- Tính linh hoạt của phụ nữ được đánh giá tốt hơn nam giới, vì vậy, họ thích ứng tốt hơn. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc và trao đổi, nhiều nữ lãnh đạo vẫn chưa thể tự vượt qua rào cản của chính mình. Họ ngại bước ra khỏi vòng an toàn. Việc chấp nhận rủi ro của nữ thấp hơn của nam. Đây là hạn chế lớn nhất của nữ lãnh đạo khi tiếp cận, thích ứng với bối cảnh mới của chuyển đổi số và toàn cầu hóa.
“Đằng sau một phụ nữ thành công là gia đình hai bên”
- Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, trong đó có cơ sở giáo dục đại học. Theo bà, điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Quan trọng không phải số lượng, tỷ lệ tham gia của phụ nữ, mà là thực chất tầm ảnh hưởng của nữ lãnh đạo. Chúng tôi mong muốn thông qua những dự án như thế này sẽ dẫn đến những thay đổi thực chất, đầu tiên là từ bản thân phía nữ, tiếp đến là định kiến từ phía nam để ủng hộ, hỗ trợ nữ lãnh đạo nhiều hơn.
Tôi còn nhớ trong buổi đối thoại ở Thái Nguyên trong khuôn khổ dự án, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu Việt Nam chia sẻ, đằng sau một người đàn ông thành công chỉ cần một người phụ nữ, nhưng đằng sau một phụ nữ thành công là họ hàng gia đình hai bên. Đặc biệt trong văn hóa của người Việt Nam, người phụ nữ có thể hiện được vai trò hay năng lực hay không còn gặp phải rào cản thậm chí từ chính người thân của họ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần thay đổi nhận thức và tư duy của các bé gái ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Trong môi trường giáo dục bình đẳng, không có sự phân biệt nam - nữ, dần dần khi lớn lên, đi làm và giữ vị trí lãnh đạo, sẽ tác động đến nhận thức, trách nhiệm của họ.
- Để tiếp tục lan tỏa kết quả dự án, góp phần nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trong cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, dự án có khuyến nghị gì?
- Chúng tôi đề nghị tiếp tục có sự phối hợp của các trường đại học tham gia dự án cũng như các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam thông qua sự hỗ trợ của Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để lan tỏa các kết quả dự án đến nhiều trường đại học hơn nữa. Thông qua lan tỏa các hoạt động và kết quả của dự án hy vọng sẽ dần thay đổi tư duy của nữ lãnh đạo. Đây là điều quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất có dự án tiếp theo hướng đến đối tượng là nam lãnh đạo. Bởi nữ lãnh đạo chỉ có thể thay đổi khi có sự hỗ trợ, ủng hộ của nam lãnh đạo.
- Từ thực tiễn triển khai dự án, bà có nhắn nhủ gì với nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam?
- Hãy là chính mình và đón lấy cơ hội! Chỉ khi sẵn sàng đón cơ hội bằng chính năng lực của mình thì các nữ lãnh đạo sẽ tự tin vượt qua tất cả rào cản.
- Xin cảm ơn bà