Tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu

Hãy hành động trước khi quá muộn

- Chủ Nhật, 05/09/2021, 06:30 - Chia sẻ
Trong những năm gần đây, nhân loại phải đối mặt với hàng loạt thảm họa thiên nhiên thảm khốc bắt nguồn từ tình trạng biến đổi khí hậu. Với mức độ và tốc độ ngày càng gia tăng, con người liệu có kịp hành động trước khi quá muộn?

Con người là tác nhân chính

Thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thảm họa thiên nhiên thảm khốc, từ các đợt nắng nóng kỷ lục dẫn đến cháy rừng ở Hy Lạp, mưa lũ ở Trung Quốc, Đức và Bỉ. Quy mô của những đợt thay đổi thời tiết gần đây được đánh giá là chưa từng có trong vòng nhiều thập kỷ qua. Các nhà khoa học cho rằng, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và cực đoan này gần như không thể xảy ra, nếu không phải do ảnh hưởng của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trong Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần 6 (AR6) mới công bố cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) tuyên bố chắc chắn rằng, các tác động của con người là nguyên nhân chính cho sự nóng lên toàn cầu: “Đó là một  thực  tế, không thể chối cãi rằng con người đang làm hành tinh nóng lên”. Do hoạt động của con người - phần lớn là đốt nhiên liệu hóa thạch, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã tăng cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong hai triệu năm qua, với  nồng độ tiếp tục tăng lên trong năm 2020 mặc dù lượng phát thải toàn cầu hàng năm giảm tạm thời do hậu quả của đại dịch Covid-19. Kết quả, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến  mọi  khu  vực có người sống ở trên Trái đất, và những hậu quả như mực nước biển dâng, axit hóa đại dương và băng vĩnh cửu tan là không thể tránh khỏi và được coi là gần như không thể đảo ngược.

Báo cáo khẳng định, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ mà đã, đang hiện hữu - ảnh hưởng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới, gây bất lợi cho sức khỏe con người, hệ sinh thái và môi trường. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra, với mọi khu vực được dự báo sẽ chịu tác động của khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là các hiện tượng nóng cực đoan, mưa, lũ lớn và hạn hán với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Những biến đổi này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe và đời sống của con người, đặc biệt là khi khí hậu thay đổi đột ngột sẽ ngày càng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lương thực toàn cầu và nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, những thay đổi trong băng tuyết và lũ lụt trên sông ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á có thể tác động đáng kể đến cơ sở hạ tầng, du lịch, giao thông và sản xuất năng lượng.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang trực tiếp và gián tiếp thúc đẩy sự suy giảm tỷ lệ sinh. Các nhà nghiên cứu của Đại học California đã chỉ ra rằng, số ca sinh ở Mỹ đã giảm trong 9 tháng sau một sự kiện nắng nóng khắc nghiệt. Trong khi một nghiên cứu trên 18.000 cặp vợ chồng ở Trung Quốc vào năm 2021 cho thấy, biến đổi khí hậu đặc biệt là ô nhiễm hạt có liên quan đến khả năng tăng 20% vô sinh. Một số người quyết định không sinh con vì họ lo sợ rằng làm như vậy sẽ làm tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu, vì việc này sẽ khiến khí hậu phát thải CO2 hàng năm tồi tệ hơn gấp 7 lần. Hơn nữa, hiện tượng thời tiết cực đoan cũng khiến cho phụ huynh lo ngại và không muốn những đứa con của mình phải chịu hậu quả.

Cơ hội và mục tiêu đang bị thu hẹp 

Kể từ thời tiền công nghiệp, nhiệt độ bề mặt Trái Đất đã nóng lên 1,1 độ C. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C để tránh những tác động tàn phá nhất của quá trình biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Báo cáo AR6 cảnh báo, giới hạn nhiệt độ 1,5°C “sẽ bị vượt quá trong thế kỷ XXI” trong các kịch bản phát thải trung bình hoặc cao hơn. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi thế giới phải đưa mức phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050 và dưới 0 những năm sau đó.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, cơ hội để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này đang ngày càng bị thu hẹp lại, trừ khi các quốc gia thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất, sử dụng và vận chuyển năng lượng. IEA cho rằng, có hơn 400 dấu mốc mà thế giới phải thực hiện để đạt được mục tiêu trên, trong đó có việc không đầu tư vào các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới, cũng như hủy bỏ ngay từ bây giờ tất cả quyết định đầu tư vào các nhà máy than mới không có công nghệ thu giữ carbon. Các loại xe hơi sử dụng động cơ đốt trong nên bị loại bỏ hoàn toàn vào năm 2035, trong khi ngành điện toàn cầu phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040.

Ngoài ra, thế giới sẽ cần triển khai rộng rãi hơn năng lượng tái tạo. Theo IEA, gần 90% nguồn điện cần phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo vào năm 2050. Phần còn lại đa số sẽ từ năng lượng hạt nhân. Báo cáo cho biết các nước cũng cần triển khai những công nghệ mới chưa phổ biến ở quy mô thương mại, chẳng hạn như thu giữ và lưu trữ carbon và hydro xanh.

Nguồn: ITN

Nỗ lực để giảm thiểu và đẩy lùi

Cho đến nay, đã có hơn 110 nước đệ trình kế hoạch cắt giảm khí thải mới đến năm 2050. Một số quốc gia thậm chí đã đẩy thời hạn cam kết trung hòa carbon lên năm 2030, như Mỹ cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50 - 52% so với mức năm 2005; Nhật Bản cam kết cắt giảm 46% so với mức năm 2013; Hàn Quốc giảm 24,4% so với mức năm 2017. Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới cũng nỗ lực sản xuất ô tô điện không khí thải bằng và thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, các ngân hàng quốc tế cũng góp phần vào những nỗ lực giảm thiểu và đẩy lùi tác động của biến đổi khí hậu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức gia nhập một mạng lưới toàn cầu cùng các ngân hàng trung ương khác thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giải quyết các rủi ro môi trường đối với hệ thống tài chính. Nhiều tập đoàn lớn toàn cầu cũng đã tuyên bố các mục tiêu trung hòa khí carbon như Amazon, Google, Apple...

Không chỉ vậy, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lần đầu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bên ngoài không gian. NASA và ESA từng hợp tác nhiều năm qua trong các sứ mệnh khoa học nghiên cứu trái đất như vệ tinh quan sát đại dương, nhưng lần này hai cơ quan vũ trụ lớn nhất thế giới đang nỗ lực hợp tác về vấn đề chống biến đổi khí hậu, như việc phát triển các vệ tinh quan sát trái đất chung và tập trung vào các lĩnh vực cụ thể để nghiên cứu các vấn đề như lịch sử của lớp băng bao phủ, cách thức lớp băng vĩnh cửu tan chảy giải phóng khí metal vào khí quyển. Đây là bước tiến lớn so với bất kỳ điều gì họ đã từng làm, hơn nữa không gian là điểm thuận lợi nhất để đo lường và giám sát biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, khu vực Nội Mông của Trung Quốc cũng đã phê duyệt dự án điện lớn sử dụng năng lượng mặt trời và gió để sản xuất hydro xanh. Nội Mông từ lâu đã là một trong những khu vực khai thác than hàng đầu ở Trung Quốc. Các quan chức nước này xem đây là một trung tâm năng lượng tái tạo tiềm năng để xuất khẩu điện và hydro sang phần còn lại của đất nước. Khu vực này nhận được khoảng 3.100 giờ ánh sáng mặt trời mỗi năm để sản xuất năng lượng mặt trời và nằm trên kênh gió chính của Siberia có thể cung cấp hàng chục gigawatt năng lượng cho các tuabin gió.

Cơ quan Quản lý năng lượng Nội Mông đã cho phép một cụm nhà máy ở các thành phố Ordos và Baotou sử dụng 1,85GW năng lượng mặt trời và 370MW gió để sản xuất 66.900 tấn hydro xanh mỗi năm. Hiệp hội Xúc tiến Công nghiệp Năng lượng Hydro cho biết, dự án này sẽ bắt đầu phát triển vào tháng 10 tới và sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2023. Theo các nhà phân tích, dự án sẽ sản xuất đủ sản lượng hydro để thay thế khoảng 21 triệu gallon xăng mỗi năm, nếu nó được sử dụng cho xe chạy bằng pin nhiên liệu.

Như Ý