Khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị cạn kiệt dần thì rác thải được xem là một loại nguồn tài nguyên quý giá mà con người có thể tái chế, tái sử dụng. Rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới, coi rác là nguồn tài nguyên vô tận. Để tiết kiệm tài nguyên, các quốc gia đang tìm mọi cách để biến chất thải, rác thải của ngành này sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào của ngành khác trong một vòng khép kín. Hạn chế tối đa tạo ra chất thải, thu hồi tối đa nguyên liệu thô có giá trị, chỉ đốt các chất thải còn lại để tái tạo năng lượng; áp dụng công nghệ xử lý nước thải, khí thải để tạo ra phân bón khử trùng mà vẫn giữ lại hầu hết các vi sinh vật vô hại. Nước thải sau khi lọc các hóa chất và xử lý được tái sử dụng cho nông nghiệp...
Tuy vậy, nguồn tài nguyên này tại Việt Nam lại đang bị lãng phí. Hầu hết các địa phương, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp, chiếm trên 70% và đốt thủ công chiếm 28%.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, rác thải là một dạng tài nguyên, nếu biết sử dụng đúng cách sẽ có thể đưa những thứ đáng lẽ đã bỏ đi trở thành sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải sinh hoạt đã được luật hóa bởi Luật Tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, việc tái chế rác thải thành sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng không phải bây giờ mới triển khai mà đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay, và thời điểm đó chưa có Luật Tài nguyên môi trường. Người dân, doanh nghiệp phải “tự thân vận động” trong việc tái chế rác thải mà chưa có sự giúp đỡ của Nhà nước. Thời điểm này phần lớn người dân cũng chưa có ý thức được rằng rác thải cũng là một nguồn tài nguyên, nhưng thời gian gần đây, thông qua các phương tiện truyền thông, tuyên truyền của các cơ quan Nhà nước, người dân đã nhận thức, quan tâm hơn đến việc tái chế rác thải, biến rác thải trở thành một sản phẩm, một nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân.
Rác thải là tài nguyên nhưng nếu xử lý không đúng cách nó cũng sẽ trở thành nguồn gây độc hại ảnh hưởng rất lớn tới người dân và môi trường. Nhấn mạnh điều này, đại biểu khuyến cáo, tuyên truyền với người dân trong việc sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác, nhất là các sản phẩm tái chế từ nhựa để vừa bảo đảm được sức khỏe của người dân, vừa bảo đảm được việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.