Từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cho thị trường trong nước và khu vực
Đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu phấn đấu, ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh, phụ kiện cho thị trường trong nước, khu vực.
Đến nay, tỉnh Hậu Giang có 2 Khu công nghiệp và 7 Cụm công nghiệp đang hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp thu hút được 113 dự án với tổng vốn đầu tư trên 37.600 tỷ đồng và 617 triệu USD. Các dự án đầu tư vào địa bàn đã giải quyết việc làm cho trên 33.800 lao động. Tỷ lệ lấp đầy 2 khu công nghiệp đạt khoảng 93%; tỷ lệ lấp đầy 7 cụm công nghiệp khoảng 73%. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 63.876 tỷ đồng, chiếm hơn 84,51% cơ cấu khu vực II và gần 31,53% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhất định, cơ cấu ngành công nghiệp tăng, nhưng thực tế, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực về vốn và trình độ sản xuất, quản lý còn hạn chế. Chất lượng số lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Nguyên phụ liệu chủ yếu phụ thuộc thị trường...
UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Xây dựng và hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liên ngành phục vụ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm"
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã ký Công văn số 945/UBND-NCTH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ý kiến thẩm định đối với hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Đông Phú 2, tỉnh Hậu Giang. Theo đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đông Phú 2, về tính chất đây là khu công nghiệp với mục tiêu theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, dự kiến quy hoạch các ngành nghề: ngành công nghiệp chế biến, cơ khí, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ. Trong đó, chủ đầu tư cam kết thực hiện dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu hình thành và phát triển các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su, điện - điện tử, trong đó tập trung lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng cho các máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày, tỉnh đặt mục tiêu duy trì, tăng cường năng lực các cơ sở sản xuất hiện có, thu hút đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may. Đặc biệt, khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ ngành da giày nhằm tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của ngành, nâng cao năng lực tự thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ưu tiên sản xuất giày, dép da thời trang và cặp, túi ví chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp và thị trường nội địa.
Trong đó, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử để có thể từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh, phụ kiện cho thị trường trong nước, khu vực.
Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách về công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.