Tham dự kỳ họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cùng đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đại diện các sở, ngành trên điạ bàn tỉnh.
Nhiều chỉ số đạt cao
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,04%, đứng thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xếp ở nhóm cao của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với khu vực II, thu nhập bình quân đầu người đạt 87,44 triệu đồng; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu hết các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá, tổng vốn huy động trên địa bàn và tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với cùng kỳ.
Cải cách hành chính, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin ở các ngành, lĩnh vực được tăng cường. Chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI), hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS) đều tăng. Các cấp ủy, chính quyền và địa phương đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 9.751 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách trên địa bàn là 3.211 tỷ đồng (tăng 11,36% so với cùng kỳ). Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình và giải ngân vốn đầu tư công được tập trung. Cải cách hành chính đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, các chỉ số năm 2023 đều tăng thứ bậc so với năm 2022 (chỉ số cải cách hành chính tăng 1 bậc; chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức tăng 4 bậc; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 3 bậc và chỉ số Xanh cấp tỉnh tăng 36 bậc), môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024.
Tuy đạt được những thành tựu nhất định, nhưng Hậu Giang vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức: tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chưa đạt theo tiến độ, kế hoạch đề ra (chỉ đạt 34,39%, thấp hơn 4,72% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu còn thấp so với kế hoạch; hạn hán, mặn xâm nhập, sạt lở và dông lốc xảy ra sớm và tăng so với cùng kỳ; các bệnh sởi, đậu mùa khỉ, viêm não Nhật Bản đã xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Tập trung làm rõ kết quả, hạn chế
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, bám sát các mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 để đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém. Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024.
Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng xem xét các nội dung thuộc lĩnh vực ngân sách - tài chính; văn hóa - xã hội và pháp chế; trao đổi, thực hiện thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, thông qua 20 dự thảo nghị quyết với 4 nhóm lĩnh vực chính. Trong đó, có nhiều dự thảo nghị quyết quan trọng do UBND tỉnh trình để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2024; dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên từ năm học 2024-2025 đến năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục công lập; Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án cầu Nguyễn Chí Thanh, thành phố Vị Thanh...
Kỳ họp sẽ dành trọn 1 ngày để các đại biểu thảo luận về các nội dung của báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; đồng thời tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn về những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận, đông đảo cử tri, Nhân dân và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Để kỳ họp bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.