Hậu Giang hướng đến nông nghiệp xanh, thông minh

- Thứ Hai, 13/09/2021, 07:04 - Chia sẻ
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, Hậu Giang xác định hướng đi trong phát triển kinh tế nông nghiệp là tập trung phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh.
	Hậu Giang tập trung phát triển nông nghiệp xanh, thông minh
Hậu Giang tập trung phát triển nông nghiệp xanh, thông minh

Từ “Đề án 1.000”…

Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp TP. Cần Thơ - đô thị trung tâm vùng. Với hệ thống sông, rạch chằng chịt, khoảng 80% dân số làm nghề nông, 70% dân số trong độ tuổi lao động, Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Toàn tỉnh có khoảng 134.000 hecta đất nông nghiệp, trong đó có 82.000 hecta sản xuất lúa, hơn 30.000 hecta trồng cây ăn trái, 10,5 nghìn hecta sản xuất mía đường, 10,7 nghìn hecta nuôi thủy sản. 

Từ năm 2014, Hậu Giang triển khai “Đề án 1.000” để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, hướng đến ứng dụng công nghệ cao, phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững. Đến nay, tỉnh đã có 10 nông sản chủ lực được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản là bưởi Năm roi Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, cá thát lát Hậu Giang, khóm (dứa) Cầu Đúc, chanh không hạt Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, cá rô Hậu Giang, quýt đường Long Trị, xoài cát Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, cam sành Ngã Bảy, cá thát lát Hậu Giang, khóm (dứa) Cầu Đúc đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng trên  thị trường cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, để thực hiện được mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, tỉnh sẽ xây dựng, vận hành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ làm nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời cải tiến cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.

… đến nông nghiệp xanh, thông minh

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, Hậu Giang xác định hướng đi trong phát triển kinh tế nông nghiệp là tập trung phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh. 

Trong sản xuất lúa gạo, tỉnh có điều kiện áp dụng các công nghệ viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh, áp dụng phân bón thông minh, sản xuất lúa gạo theo phương pháp hữu cơ, theo chuỗi giá trị, tổ chức theo hợp tác xã.

Trong sản xuất cây ăn trái, một số khu vực sản xuất các loại nông sản đã có thương hiệu trên thị trường, như khóm (dứa) Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, bưởi Châu Thành, có điều kiện ứng dụng công nghệ để tự động hóa, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản.

Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, các loại cá da trơn, cá thát lát vốn là thế mạnh của tỉnh, đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa, internet kết nối vạn vật (IoT), hoặc kết hợp giữa canh tác thủy sản với sản xuất rau, hoa, quả.

Những năm gần đây, Hậu Giang đã khởi động và triển khai nhiều chương trình, dự án hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, thông minh, ứng dụng công nghệ cao.  

Tỉnh đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, kèm theo đó là nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Khu nông nghiệp này đang hợp tác với đối tác Hàn Quốc triển khai thí điểm canh tác lúa với các chế phẩm sinh học, bước đầu đạt một số kết quả khả quan. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt hiệu quả cao, với các sản phẩm như cá thát lát cườm, dứa, xoài, chanh không hạt, mãng cầu... Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã hợp tác với Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu VietGAP, chanh không hạt VietGAP. Đây là cơ sở để Hậu Giang tiếp tục triển khai các dự án thực hành nông nghiệp thông minh. 

Vũ Châu