Hậu Ái và những kỷ niệm về Bác Hồ
Làng Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội là địa điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc thời gian kháng chiến chống Pháp, sau khi rời Hà Nội. Những việc quan trọng nhất trong giai đoạn lịch sử huy hoàng này, Người bắt đầu tiến hành ở đây…
Vân Canh, xưa kia thuộc tổng Hương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, là một vùng quê có truyền thống văn hiến và khoa bảng, làm nền tảng cho truyền thống cách mạng sau này. Từ những năm 1928 - 1929, một số thanh niên trí thức Vân Canh đã được các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lều Thọ Nam dìu dắt vào con đường đấu tranh cách mạng. Từ cuối năm 1941, Vân Canh thành điểm an toàn của Xứ ủy Bắc kỳ. Một số chiến sỹ cộng sản Vân Canh đã mở trường Hứa Do ở làng Hậu Ái để thu hút thanh niên, thiếu niên vào trường học cánh mạng. Năm 1943, đồng chí Nguyễn Khang, quyền bí thư Xứ ủy khởi xướng phong trào Truyền bá quốc ngữ, lập Hội truyền bá quốc ngữ cho cả vùng Canh do nhà văn Trúc Khê làm hiệu trưởng, lấy trường Hứa Do làm trụ sở. Tháng 8.1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở làng xong, quần chúng cách mạng vùng Canh do đồng chí Trương Thị Mỹ dẫn đầu đi giành chính quyền ở Phủ lỵ Hoài Đức và Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, tới gần cuối năm 1946, thực dân Pháp ngày càng bộc lộ dã tâm muốn xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng bắt đầu gây hấn ở Hải Phòng, rồi Lạng Sơn và cả ở Thủ đô Hà Nội. Nguy cơ một cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước đã gần kề. Trước tình hình như vậy, nhiều đêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra làm việc và nghỉ ở vùng ngoại ô Hà Nội. Tới đêm 26.11.1946, Hồ Chủ tịch đã cùng cơ quan chính thức chuyển đến làng Hậu Ái, khi đó thuộc vùng an toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ, cách Hà Nội hơn 10km. Người cùng cơ quan bí mật ở và làm việc tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Thông Phúc, một gia đình cách mạng. Khu đất của gia đình rộng ba sào rưỡi, có ngôi nhà chính gồm 2 tầng, được xây dựng từ năm 1922, là địa điểm của trường tư thục Hứa Do. Một số cán bộ cách mạng đã dạy và nhiều quần chúng cứu quốc đã học tập tại trườâng. Ngoài ra, trên khu đất này còn có một ngôi nhà thờ của chi họ vđ một dãy nhà ngang. Trước đó, ngày 4 - 5.3.1946, tại dãy nhà ngang này, Hội nghị Trung ương Đảng đã họp, thông qua quyết định ký Hiệp định Sơ bộ ngày 3.3.1946, tạm hòa với Pháp.
Không còn có thể hòa với Pháp được nữa, lần này trở lại ở và làm việc tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ nhiều lần họp bàn, trao đổi, giải quyết nhiều công việc hệ trọng của đất nước, khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Tại căn phòng tầng 2 ngôi nhà chính của cụ Nguyễn Thông Phúc, trụ sở của trường Hứa Do cũ, trong thời gian từ ngày 26.11- 3.12.1946, Hồ Chủ tịch đã đã ký nhiều văn kiện quan trọng, như Quyết định thành lập Bộ Lao động, Lời kêu gọi đồng bào thành lập Nghĩa thương để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, và đặc biệt là Ấn định hình phạt về tội đưa và nhận hối lộ. Đến ngày 3.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Vân Canh, chuyển về ở và làm việc tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông...
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Vân Canh là làng chiến đấu kiên cường, nổi danh với những trận đánh du kích ở Cổng Táo, chợ Đìa... Khu nhà của gia đình cụ Nguyễn Thông Phúc bị bom đạn phá hủy hết. Đến năm 1990, Đảng bộ và nhân dân Vân Canh, Hoài Đức đã xây dựng ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc xưa để làm nhà Lưu niệm Bác Hồ. Nhà Lưu niệm xây trên nền móng cũ, theo kích thước và cấu trúc ngôi nhà xưa, gồm 2 phần. Ở tầng một, gian giữa là bàn thờ Bác Hồ, có tượng Bác, đỉnh trầm. Gian bên phải trưng bày, giới thiệu về trường tư thục Hứa Do, với giá sách, bàn học của trường xưa. Gian bên làm nơi tiếp khách đến thăm quan. Phần thứ hai là căn gác với mọi hiện vật được phục nguyên như thời gian Hồ Chủ tịch ở và làm việc. Một bộ phản gỗ gụ, nơi bác nằm nghỉ, có chiếc ba lô và chiếc màn xô đơn sơ để phía đầu phản. Chiếc bàn làm việc của Bác, nho nhỏ, kê sát tường bên phải căn phòng. Trên mặt bàn có giá sách nhỏ đóng liền áp sát tường, có một khay gỗ với bộ đồ ăn Bác thường dùng gồm đôi đũa gỗ, chiếc thìa sứ trắng, vài chiếc bát gốm màu da lươn. Một chiếc ghế tựa. Người thường ngồi làm việc và ăn cơm tại bàn này...