Đại biểu HĐND cấp tỉnh

Hạt nhân quan trọng trong xây dựng chính quyền địa phương

- Thứ Năm, 25/11/2021, 21:22 - Chia sẻ
Đại biểu HĐND cấp tỉnh là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở cả 2 cấp độ là ở đơn vị bầu cử và của Nhân dân địa phương, có trách nhiệm giữ mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Vì vậy, cùng với kiến thức và trách nhiệm, đại biểu HĐND cấp tỉnh cần tăng cường trau dồi kỹ năng và chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Đó là những chia sẻ của Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, GS.TS. Lê Minh Thông trong chuyên đề chính quyền địa phương và đại biểu HĐND cấp tỉnh tại lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 25.11.

Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, GS.TS. Lê Minh Thông trong chuyên đề 2 - “Chính quyền địa phương và đại biểu HĐND cấp tỉnh”
Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, GS.TS. Lê Minh Thông tại lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 (lớp 2)
Ảnh: Tùng Dương

Trao đổi với các đại biểu, GS.TS. Lê Minh Thông cho biết, chính quyền địa phương là những thiết chế nhà nước hay thiết chế tự quản của cộng đồng lãnh thổ địa phương, có tư cách pháp nhân quyền lực công, được thành lập một cách hợp hiến và hợp pháp, để quản lý, điều hành mọi mặt đời sống nhà nước, xã hội trên một đơn vị hành chính - lãnh thổ của một quốc gia, trong giới hạn thẩm quyền, thủ tục, cách thức nhất định do pháp luật quy định.

“Chính quyền địa phương gắn liền với hoạt động thực thi chính sách, pháp luật. Nhân dân đánh giá hiệu quả của bộ máy nhà nước thông qua chính hoạt động của chính quyền địa phương. Vì vậy, hiện đại, minh bạch là nguyên tắc tất yếu đòi hỏi mỗi cấp chính quyền địa phương cần bảo đảm thực hiện, đáp ứng yêu cầu hội nhập và toàn cầu hóa” - GS.TS. Lê Minh Thông nhấn mạnh.

Lớp bồi dưỡng tại các điểm cầu trực tuyến địa phương
Lớp bồi dưỡng tại các điểm cầu trực tuyến địa phương
Ảnh: Tùng Dương

Về cơ cấu, HĐND và UBND cấp tỉnh là hai thiết chế của chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thống nhất về mục tiêu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản trị địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

HĐND gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND.

Các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng tại điểm cầu trực tuyến tỉnh
Các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bình Định
Ảnh: Tùng Dương

Theo GS.TS. Lê Minh Thông, đại biểu HĐND cấp tỉnh là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, được hình thành theo nguyên tắc bầu cử trực tiếp của cử tri. Trong hoạt động, đại biểu HĐND cấp tỉnh thay mặt Nhân dân trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quyền lực nhà nước, quyết định các vấn đề quan trọng để phát huy các tiềm năng của trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội…

Bên cạnh đó, đại biểu HĐND cấp tỉnh còn có trách nhiệm trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác ở địa phương; đóng vai trò tương tác, giám sát, thúc đẩy để các cơ quan nhà nước hoạt động tích cực, hiệu quả hơn trong việc giải quyết những vấn đề hàng ngày, cũng như những vấn đề trung hạn, dài hạn đặt ra từ thực tiễn cuộc sống ở địa phương. Thông qua việc xử lý những vấn đề trên, sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa những biểu hiện của sự xơ cứng, quan liêu, lạm quyền, trục lợi, cục bộ... có thể nảy sinh trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước ở địa phương.

Các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bình Định
Các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Hải Phòng
Ảnh: Tùng Dương

“Đại biểu HĐND cấp tỉnh là người gần dân, thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân. Bởi vậy, phẩm chất đạo đức của họ sẽ có tác động rất lớn đối với người dân, có ảnh hưởng rất lớn đối với hiệu quả công tác của họ. Đại biểu HĐND cấp tỉnh phải là người gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng”- GS.TS. Lê Minh Thông nhấn mạnh.

Cùng với kiến thức và trách nhiệm, để hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu HĐND cấp tỉnh cần có kỹ năng hoạt động riêng, từ đó, vận dụng khéo léo vào thực tế để thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong đó, cần chú trọng các kỹ năng quan trọng như xây dựng kế hoạch hoạt động, kỹ năng tiếp xúc với cử tri, kỹ năng tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, kỹ năng chất vấn, kỹ năng giám sát…

Kết thúc chuyên đề, GS.TS. Lê Minh Thông ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các đại biểu HĐND tham gia lớp bồi dưỡng. Đồng thời, lưu ý, để có kỹ năng hoạt động tốt, đại biểu HĐND cấp tỉnh phải luôn rèn luyện, không ngừng tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, phải chú ý gắn lý luận với thực tiễn và sâu sát thực tế đời sống xã hội trong, ngoài địa phương.

Tùng Dương