Hanok một phần văn hóa Hàn

Thanh Hà
Theo Korea Times
12/03/2015 09:02

Theo Giám đốc Bảo tàng Đồ gỗ Hàn Quốc Chyung Mi-sook, “Hanok đẹp lắm, mưa nắng không tàn phá được nó!”. Tuy nhiên, hanok bị lãng quên hoặc không được hiểu đúng giá trị của nó. Hanok là loại nhà truyền thống ở Hàn Quốc, sử dụng vật liệu là đất sét, gỗ và đá. Giờ người Hàn Quốc không sống trong những ngôi nhà này nữa, chúng chỉ được dùng để trưng bày trong khu bảo tồn, bảo tàng.

Một phóng viên của tờ The Korea Times muốn mọi người đến thăm Bảo tàng Đồ gỗ Hàn Quốc để hiểu hơn về văn hóa Hàn Quốc. Chỉ cần một lần ngắm nhìn dinh thự gỗ trong tuyết, những chân tường đá khiêm tốn, bạn sẽ hiểu vì sao công trình này có sức hấp dẫn đến vậy. Nó đã mê hoặc không chỉ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà cả các ngôi sao Hollywood như Brad Pitt, Amanda Seyfried... Sau 20 năm, bà Chyung đã sưu tầm được 2.500 món đồ gỗ truyền thống của Hàn Quốc.

Năm 2008, Chyung Mi-sook mở bảo tàng tư nhân ở Seongbuk-dong, phía Bắc Seoul, trưng bày thường xuyên khoảng 500 hiện vật. Chyung đã làm việc với các nhà chức trách của quận Seongbuk và TP Seoul về việc tạo nên cụm văn hóa truyền thống, trong đó có nhà truyền thống, món ăn truyền thống, quần áo truyền thống ở Seongbuk-dong. “Chúng ta (người Hàn Quốc) phải nhớ những người anh hùng dân tộc như Vua Sejong (người phát minh ra bảng chữ cái Hàn Quốc), Đô đốc Yi Sun-shin (người đã chiến đấu trong cuộc chiến với quân Nhật). Từ trước đến giờ, chúng ta đã quên người Hàn Quốc từng sống như thế nào, dùng những vật dụng gì, mặc ra sao”.


Bảo tàng của Chyung có thể phục vụ rất tốt nhu cầu tìm hiểu về hanok. Tại đây có đến 10 bộ phận hanok, tất cả đều được lấy về từ Cung điện Changgyeong (Seoul) trong khoảng thời gian chúng bị bom phá hủy những năm 1970. Các bộ phận này thuộc ngôi nhà cổ của anh họ Hoàng hậu Myeongseong, ở Mapo; một số bộ phận lấy từ nhà của dân thường. Do đó, tại đây, khách có thể tìm hiểu khá đầy đủ về hanok, theo cả phong cách quý tộc và thường dân. Chyung nói rằng, bà đã phải rất cố gắng để mua và di dời các bộ phận ngôi nhà cổ của anh họ Hoàng hậu Myeongseong cũng như các ngôi nhà hanok khác về bảo tàng. Công việc sau đó cũng khó khăn, mất nhiều thời gian không kém; từ bảo quản đến thiết kế khu trưng bày, sắp xếp các bộ phận sao cho hợp lý nhất (dễ quan sát, phù hợp với không gian...). Bên cạnh hanok, bảo tàng của Chyung còn trưng bày nhiều món đồ đặc trưng trong cuộc sống của người Hàn Quốc như tấm bình phong trang trí minwha, trang trí hình người... Chyung tin rằng những tấm bình phong này phản ánh chính xác phong cách sống của người Hàn Quốc. “Tìm hiểu một chút bạn sẽ thấy bình phong được sử dụng trong hầu hết nghi lễ quan trọng của Hàn Quốc (lễ thành hôn, lễ tang...).

Khi được hỏi, đã bao giờ bị cám dỗ theo cách muốn sống (hưởng thụ, yên bình) trong nhữäng ngôi nhà hanok chứ không chỉ đưa nó về bảo tàng của mình, cho nó vai trò, chức năng như hiện nay, Chyung cho biết, nhữäng năm 1980, sau khi bị ốm nặng, bà đã thay đổi suy nghĩ về việc sẽ sống như nào trong quãng đời còn lại. “Tôi nghĩ, cuộc sống của tôi từ đó về sau là một món quà”. Một lý do nữa khiến Chyung quyết định xây dựng bảo tàng cá nhân là vào năm 1965, khi đó bà là sinh viên trường Hillwood High School (Nashville, Tenn). “Tôi được giao bài tập trình bày về cuộc sống của người Hàn Quốc. Tôi nhớ đã đưa một vài hình ảnh về ngôi nhà của chính gia đình mình. Rất nhiều sinh viên hỏi tôi về men ngọc và các kệ sách trong đó, họ muốn biết người Hàn Quốc đã sống như thế nào”.

Chyung là con gái Nghị sỹ, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Hàn Quốc Chyung Il-hyeong và nữ luật sư đầu tiên của Hàn Quốc Lee Tae-young; anh trai Chyung là luật sư Chyung Dae-cheol. Tài sản Chyung có hiện nay là được thừa hưởng từ bố chồng, vốn làm trong ngành thủy sản. Thực tế giá của một ngôi nhà hanok không quá đắt nhưng tổng chi phí từ khi Chyung mua những ngôi nhà này, rồi tháo dỡ, làm sạch, đưa lên khu trưng bày lên đến hàng chục triệu won. “Mẹ luôn nói với tôi ba điều về tiền bạc: đầu tiên, dành đầu tư cho việc học hành của con cái; nếu vẫn còn, đưa chúng ra nước ngoài học; nếu còn tiền, hãy làm điều gì đó có giá trị... Tôi nghĩ rằng, những gì tôi đang làm giống như một tấm gương phản ánh chân thực vẻ đẹp tinh tế của văn hóa Hàn Quốc”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hanok một phần văn hóa Hàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO