Hanji có nghĩa là giấy của Hàn Quốc. Nguyên liệu chính để làm ra nó là xơ của cây dâu tằm, một loại cây mọc ở vùng núi đá cao. Với nhiều tính chất rất đặc biệt như độ bền cao, mịn và thoáng khí, hanji không đơn thuần để viết thư pháp, vẽ tranh, viết sách... mà còn được dùng dán tường, dán cửa, làm đèn lồng và cả quần áo. Nhiều chương trình thời trang mà người mẫu mặc những bộ đồ làm từ giấy hanji đã được tổ chức ở Champs Elysee, Paris. Thậm chí, hiện nay, Hàn Quốc và Mỹ còn cùng nhau nghiên cứu đặc tính của hanji để sử dụng cho tàu vũ trụ...
Có lẽ, sức sống mạnh mẽ của hanji là nhờ được sử dụng ở nhiều cách khác nhau như vậy. Một ngạn ngữ cổ từng nói giấy bền nghìn năm, lụa bền trăm năm đã phản ánh sức mạnh vượt trội của giấy so với các loại vải sợi khác. Ở phương Tây, những sản phẩm làm từ giấy tồn tại được đến 300 - 400 năm là rất hiếm. Trong khi đó, Hàn Quốc đang bảo tồn được một vài quyển sách quý và những hình vẽ trên giấy hanji có tuổi đời gần 1.000 năm. Hanji được cho là xuất hiện vào những năm 200 và 500. Năm 1931, một mẩu giấy hanji đã được tìm thấy khi các nhà khảo cổ học đào một ngôi mộ cổ từ thời Lelang (tức là năm 108 trước công nguyên đến năm 313 sau công nguyên). Tuy nhiên, thời kỳ cực thịnh của hanji là thời đại Goryeo (918 - 1392) khi chất lượng giấy đạt đỉnh cao và được sử dụng kết hợp với đồ họa in ấn.
 |
Có thể nói, sự vượt trội của giấy Hàn Quốc xuất phát từ nguyên liệu làm ra nó. Vỏ cây của cây dâu tằm rất dai và không phân hủy dù bị ngâm nước đến 1 năm. Hơn nữa, cây dâu 1 năm tuổi đã có thể dùng sản xuất giấy trong khi giấy hiện đại phải sử dụng bột giấy từ cây có tuổi đời từ 20 - 30 năm. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất giấy hanji rất cầu kỳ, cần nhiều thời gian và công sức lao động. Cây dâu khô sau khi phơi sương sẽ được cắt, hấp, bóc ra rồi ngâm nước trong một ngày. Nó tiếp tục được sấy khô dưới ánh mặt trời, được tách vỏ và hấp một lần nữa trong nồi sắt trước khi được ngâm tiếp trong dung dịch natri hydroxit. Sau đó, xơ dâu được vắt khô và cho vào giã trong cối đá. Tiếp đến, nó được bọc lại, rửa sạch rồi trộn đều với nước và chất kết dính tự nhiên. Công đoạn kế là căng xơ qua một cái màn tre, lắc qua lắc lại để tạo ra các hình sợi chéo. Quy trình làm giấy kết thúc bằng việc dàn bột giấy lên một tấm bảng gỗ và sấy khô dưới nắng.
 |
Sản xuất với số lượng ít, cách thức tỉ mỉ, tốn thời gian cùng khả năng phân phối hạn chế cho những thị trường đặc biệt khiến hanji khó cạnh tranh với các loại giấy hiện đại được sản xuất hàng loạt. Chính phủ Hàn Quốc đã coi các nghệ nhân làm giấy hanji như những tài sản văn hóa phi vật thể, đồng thời đề ra nhiều chính sách nhằm bảo vệ ngành công nghiệp cổ truyền này. Hàn Quốc vẫn thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến và quảng bá sản phẩm hanji như giới thiệu thời trang hanji, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật gấp giấy,... tới bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, hanji vẫn có sức sống vẫn mãnh liệt trong một thế giới đang đổi thay chóng mặt.