Hành xử văn minh, giữ gìn văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo

Anh Minh thực hiện 08/02/2023 10:40

Đi lễ chùa, lễ hội đầu năm là phong tục, nét đẹp văn hóa của người dân Hà Nội, cầu cho quốc thái, dân an, xã hội phát triển, gia đình ấm no, hạnh phúc. Theo TS. PHẠM TIẾN DŨNG - Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội, mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội”, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đồng thời bảo đảm an toàn, văn minh và tiết kiệm.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Là một trong những địa phương có số lượng lễ hội cũng như cơ sở Phật giáo nhiều nhất cả nước, xin ông cho biết thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo như thế nào cho mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023?

Hành xử văn minh, giữ gìn văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo -0
- Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có hơn 2.000 cơ sở tự viện Phật giáo, hơn 5.000 cơ sở tín ngưỡng và hơn 1.000 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội kéo dài tới ba tháng như lễ hội chùa Hương. Chính vì vậy, mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố có văn bản đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cũng như chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đồng thời bảo đảm các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn minh và tiết kiệm.

UBND thành phố đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội”. Theo đó, hướng dẫn Tăng, Ni trụ xứ tại các cơ sở tự viện trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức về việc tổ chức, thực hành đúng chính pháp các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng tại cơ sở tự viện mình quản lý. Tuyên truyền để tín đồ, Phật tử, khách thập phương hiểu được ý nghĩa, giá trị của lễ hội, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, danh nhân, cũng như bảo vệ cảnh quan môi trường.

Quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức đúng mục đích, công khai, minh bạch, bố trí hòm công đức hợp lý, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân, giữ gìn hình ảnh đẹp của cơ sở tự viện.

Hướng dẫn tín đồ, Phật tử, du khách thập phương có hành vi văn minh, lịch sự trong ứng xử, trang phục, không giắt tiền vào tượng Phật hay linh vật thờ cúng; không sử dụng, lạm dụng vàng mã, đồ mã trong các nghi thức, nghi lễ Phật giáo, tín ngưỡng; hạn chế, tiến tới xóa bỏ hiện tượng bói toán, xin xăm, quẻ và các hình thức mê tín dị đoan khác trong cơ sở tự viện.

Thực hành chính pháp trong quá trình tổ chức các lễ hội tôn giáo. Giữ gìn, phát huy nét đẹp đạo đức - văn hóa Phật giáo phù hợp với đạo đức - văn hóa truyền thống cộng đồng, dân tộc trong các lễ hội; hành xử văn minh góp phần nâng tầm ý nghĩa của việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện nay…

- Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong tổ chức chương trình, hoạt động phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân thì sao, thưa ông?

- UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, các cơ sở tự viện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tốt các chương trình, hoạt động lễ hội tôn giáo tại cơ sở tự viện, bảo đảm ninh trật tự, an toàn giao thông những nơi diễn ra các hoạt động lễ hội tôn giáo. UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, người đại diện cơ sở tín ngưỡng xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng; trực tiếp chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn theo đúng quy định, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội.

Lễ khai hội chùa Hương năm 2023 - Ảnh: Phong Sơn
Lễ khai hội chùa Hương năm 2023
Ảnh: Phong Sơn

Chính quyền vào cuộc, nhân dân chung tay

- Qua theo dõi và trực tiếp đi kiểm tra tại một số lễ hội, cơ sở Phật giáo những ngày đầu Xuân, ông nhận thấy việc thực hiện những chỉ đạo của UBND thành phố như thế nào?

- Bên cạnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo thành phố được giao phụ trách hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phần lễ trong các lễ hội trên địa bàn, bảo đảm trang nghiêm, không truyền bá các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi tâm linh, mê tín dị đoan. Qua kiểm tra sơ bộ đầu năm, tham dự lễ khai hội chùa Hương, lễ hội Cổ Loa, Sóc Sơn... cũng như đến thăm một số cơ sở Phật giáo, chúng tôi thấy rằng, sau mấy năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, năm nay đông đảo người dân đã rất phấn khởi, vui mừng khi được trở lại tham gia lễ hội đầu năm, thể hiện niềm tin, lòng thành kính với các vị thần linh, các anh hùng liệt sĩ, danh nhân văn hóa có công với đất nước, dân tộc. Ban Tôn giáo thành phố đánh giá cao việc các cơ quan chính quyền vào cuộc, chung tay cùng các cơ sở tự viện Phật giáo tổ chức tốt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ nhân dân. Các quận, huyện bước đầu làm tốt công tác phối hợp tổ chức lễ hội, từ phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, tránh hiện tượng móc túi, lừa đảo, bói quẻ, xin xăm, mê tín dị đoan.

- Mùa lễ hội 2023 mới chỉ bắt đầu. Ban Tôn giáo thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh như thế nào để bảo đảm các mục tiêu đề ra, thưa ông?

- Để mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023 diễn ra văn minh, an toàn, tiết kiệm, Ban Tôn giáo thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND thành phố tạo thuận lợi cho nhân dân tham gia lễ hội. Chính quyền các quận, huyện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp quận, huyện, ban tổ chức lễ hội, ban quản lý các di tích thường xuyên kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở tự viện, lễ hội, chống mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, làm xấu văn hóa của người dân Thủ đô.

Chúng tôi cũng mong muốn nhân dân hiểu và thực hành nét đẹp văn hóa đi lễ chùa, du xuân đầu năm. Chúng ta đến chùa với cái tâm thanh tịnh, trong sáng, tâm an mọi việc sẽ thành, không phải vì lễ to, mâm cao cỗ đầy mới được ghi nhận.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hành xử văn minh, giữ gìn văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO