Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Hành tứ ân - Sống hiếu nghĩa

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 22:59 - Chia sẻ
Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời ngày 5.5 năm Đinh Mão (1867) tại Cù lao Ba (huyện An Phú, tỉnh An Giang ngày nay), do ông Ngô Văn Lợi (còn có các tên khác là Ngô Viện, Cao Văn Do, Bảy Do, Năm Thiếp) sáng lập. Ông là một sĩ phu Cần Vương, tham gia khởi nghĩa ở vùng Mỹ Tho - Tiền Giang, bị giặc truy nã, ông chạy vào vùng Thất Sơn, An Giang ẩn thân. Tại đây ông Ngô Lợi tiếp thu tư tưởng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và trở thành đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.
	Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhiệm kỳ 2020 - 2025 - Nguồn: http://btgcp.gov.vn/
Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhiệm kỳ 2020 - 2025
Nguồn: http://btgcp.gov.vn/

Dựa trên nền tảng giáo thuyết và cách thức truyền bá của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Ngô Lợi vừa truyền đạo vừa chữa bệnh kết hợp với quá trình tập hợp nông dân khai hoang lập ấp. Trong quá trình ổn định cuộc sống của các tín đồ ở núi Tượng, ông Ngô Lợi đã cho xây chùa, miếu để thực hành nghi lễ, đẩy mạnh việc truyền đạo rộng rãi ở vùng Thất Sơn và các vùng xung quanh để thu nạp tín đồ.

Khi mới ra đời, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa chưa có tên gọi chính thức, những người theo ông học đạo hỏi về danh xưng của đạo thì ông Ngô Lợi nói là Đạo thờ ông bà. Từ năm 1870 trở đi, tôn giáo này mới có tên gọi chính thức là “Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa”. Đến năm 2020, tại Đại hội đại biểu tín đồ lần thứ III (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đã thống nhất đổi tên gọi tôn giáo thành “Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa” và đổi tên tổ chức tôn giáo thành “Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa”.

Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa có tôn chỉ hành đạo là: "Tu nhân - Học Phật". Đường hướng hành đạo là “Hành tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Với học thuyết học Phật - tu nhân, tôn chỉ kính thờ Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa, Đức Bổn Sư Ngô Lợi dạy người tín đồ hành theo Thập nhị lệ sự (mười hai điều phải làm) đó là: Cúng kiến trời đất, cúng lễ các vị thần, thờ phượng tổ tiên ông bà, sống hiếu thảo với cha mẹ, giữ gìn phép nước, kính trọng ơn thầy, yêu mến anh em, giữ chữ tín với bạn bè, ghi chép làm rõ các tông phái trong dòng họ, sống hòa thuận với bà con làng xóm, giữ tình nghĩa vợ chồng và chăm lo giáo dục con cháu.

Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa chịu ảnh hưởng rất nhiều giáo lý Phật giáo, chủ yếu ở Thiền phái Lâm Tế và Thiên Thai Tông. Có những kinh Phật giáo được đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đọc tụng như Bát Dương Kinh, Di Đà Kinh, Kim Cang Thọ Mạng Kinh, Phổ Môn Kinh...

Tín đồ đạo Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa gọi nhau là thân bằng và có tính cộng đồng, bởi quan điểm yêu thương đồng bào đã thấm nhuần trong tư tưởng của họ. Tín đồ Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở mọi độ tuổi, chỉ cần được cấp “Lòng phái” là được công nhận là tín đồ.

Theo thống kê của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, hiện nay có khoảng 70.000 tín đồ, sinh sống tập trung tại 16/63 tỉnh, thành phố: An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Long An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắk Lắk.

Ngọc Hà