Hành trình trở về của những thước phim tư liệu ngày độc lập

- Thứ Bảy, 31/08/2013, 08:25 - Chia sẻ
Những thước phim tư liệu chân thực và sống động về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử phải đến gần 30 năm sau mới được tìm thấy, ở tận Paris, Pháp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết ai quay những thước phim này.

Giữa năm 1974, nhà báo Hồng Hà khi đó đang làm việc ở báo Nhân dân, nhận được điện thoại của đồng chí Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, thông báo: Ban Bí thư cử ông đi Tây Âu sưu tầm tài liệu, thực hiện bộ phim về Bác Hồ để kịp chiếu vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn năm 1975. Cùng đi với nhà báo Hồng Hà có đạo diễn Phạm Kỳ Nam và quay phim Nguyễn Như Ái. Trước khi đoàn lên đường, đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phụ trách Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng mời nhà báo Hồng Hà đến trụ sở Trung ương Đảng, giao nhiệm vụ phải cố gắng tìm bằng được những thước phim tư liệu quay sự kiện lịch sử trọng đại ngày 2.9.1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Nếu phải mua thì tốn bao nhiêu Đảng cũng chi.


19.8 ở Thủ đô Hà Nội
Tới Paris, đoàn được đồng chí René Piquet - Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu đến xưởng phim Unicité (thuộc Đảng Cộng sản Pháp) ở thị trấn Baubigny, ngoại ô Paris. Đoàn tìm đến nghị sỹ Georges Cogniot - Thạc sỹ có uy tín của Đại học Paris, người rất mến phục Hồ Chủ tịch và nhân dân Việt Nam. Nghị sỹ Georges Cogniot đã dùng giấy giới thiệu của Quốc hội Pháp, giới thiệu nhà báo Hồng Hà tới các cơ quan lưu trữ ở Paris. Đoàn cũng tìm tới Bộ Quốc phòng Pháp ở quận 7, Paris. Tại đó, đoàn tiếp tục được giới thiệu sang Cục Thông tin và Quan hệ công cộng của quân đội Pháp (SIRPA). Đại tá P. Pisancourt - Cục phó, cho biết đoàn sẽ phải trả tiền xin giấy phép nhân sao. Phim càng cũ giá càng cao. Nhân sao một mét phim tài liệu đen trắng quay trong khoảng thời gian 1.1.1930 - 31.12.1945 phải trả 105 franc, cộng 23 franc tiền in tráng. Các phim tài liệu quay trước 31.12.1921 giá gấp đôi và quay trước 31.12.1919 giá gấp ba lần. “Giá mua phim như trên là theo thông lệ quốc tế, nhưng đây là việc các ông sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ không phải mua phim để kinh doanh, nên chúng tôi không lấy tiền xin giấy phép nhân sao nữa và chỉ lấy tiền mua phim để nhân sao với giá 1 franc/m”. Đoàn đồng ý, đại tá viết bản giấy phép ngày 28.10.1974 số 6965 DEF/CAB/SIRPA, nội dung: “Ông Hồng Hà ở Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được phép sưu tầm tài liệu ở cơ quan điện ảnh và nhiếp ảnh của quân đội tại pháo đài Ivri, thị trấn Ivri trên sông Seine (94) về nội dung Đông Dương từ 1914 - 1946. Những đoạn phim được chọn để xây dựng bộ phim tài liệu lịch sử được miễn tiền xin giấy phép nhân sao phim”.

Hết ngày này đến ngày khác, đoàn của nhà báo Hồng Hà ngồi xem phim tư liệu nhưng kết quả chỉ là một số thước phim về Việt Nam và Pháp những năm 1910 và 1920. Tưởng như vô vọng thì một hôm, đang đi bộ trên phố Leverrier gần Đại sứ quán Việt Nam, nhà báo Hồng Hà gặp nhà điện ảnh Jéromes Canada vừa từ Việt Nam trở về (anh là con trai ông Jean Canada - Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Pháp). Đến chơi nhà điện ảnh Pháp Canada, nhà báo Hồng Hà bộc bạch tâm sự về chuyến đi. Nhà điện ảnh Pháp khuyên nên đến tiếp kiến nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới Joris Iven tại nhà riêng ở căn gác số 2, nhà 61, phố Saints Pierre, quận 6, Paris. Joris Iven đã sang Việt Nam những năm chống Mỹ gặp Hồ Chủ tịch và vào chiến trường miền Trung để thực hiện bộ phim nổi tiếng: Bầu trời mặt đấtVĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân. Đạo diễn Joris Iven vô cùng ngạc nhiên khi biết Việt Nam không có những thước phim về ngày trọng đại này. Ông nói: “Việc sưu tầm phim tài liệu về Bác Hồ cũng là bổn phận của tôi. Các bạn để lại số dây nói và địa chỉ. Tôi sẽ cố tìm xem giữa Paris mênh mông này, có thế nào sẽ báo lại cho các bạn biết”.


Giành chính quyền ở Bắc Bộ Phủ
Gần một tuần sau, Joris Iven báo cho đoàn biết đã tìm được cơ sở điện ảnh còn lưu giữ một số tư liệu phim về Đông Dương nhưng chưa biết nội dung là gì. Ông cho địa chỉ và hẹn đón đoàn ở đó. Tới nơi, Joris Iven giao cho nhà báo Hồng Hà một số hộp sắt đựng phim cỡ 35mm, mỗi hộp để trong túi nylon và nói: “Xin tặng các bạn Việt Nam những thước phim này nhưng đề nghị các bạn không hỏi tên người quay”. Joris Iven giải thích phải làm như vậy vì luật bản quyền tại Pháp rất nghiêm ngặt. Những thước phim này đã được đoàn đưa ngay về xưởng phim Unicité. Mở hộp đầu tiên đầy nước, phim nhựa để trong đã rữa mủn. Mở hộp thứ hai, đoạn đầu phim hơi ướt nhưng các đoạn sau còn khô, không có tên người quay phim và nơi sản xuất. Đưa phim lên bàn chiếu soi phim vì xưởng không có máy chiếu lên màn ảnh, thấy hình ảnh phong cảnh Việt Nam, rồi hình những dòng người cầm cờ đỏ sao vàng diễu qua Phủ Toàn quyền giơ nắm tay lên hô khẩu hiệu. Đoạn phim này khá dài và đúng là cảnh Hà Nội những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 sôi động. Xem mãi chưa thấy cảnh Quảng trường Ba Đình khiến ai nấy trong đoàn lo lắng. Thế rồi, đột nhiên cảnh Quảng trường Ba Đình hiện ra. Một biển người đứng dưới nắng, giương cao những biểu ngữ Việt Nam độc lập muôn năm. Và kìa, một đoàn ôtô có hai hàng cảnh sát đạp xe hai bên hộ tống tiến vào. Đây rồi. Ai nấy như muốn hét to khi nhìn thấy hình ảnh Hồ Chủ tịch cùng các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời đứng trên lễ đài cao giữa Quảng trường vẫy chào nhân dân. Bác Hồ mặc áo ngoài màu nhạt, trong là sơ mi trắng cổ bẻ. Nắng chói chang. Bác bỏ mũ và đọc Tuyên ngôn độc lập...

Nhà báo Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và quay phim Nguyễn Như Ái vui sướng mang ngay cuộn phim tới Đại sứ quán Việt Nam để báo cho đại sứ biết và nhờ cất giữ. Ngày hôm sau, nhà báo Hồng Hà gửi điện mật về Việt Nam cho đồng chí Tố Hữu: “Xin báo cáo anh và Ban Bí thư Trung ương Đảng: Chúng tôi đã tìm thấy ở Paris cuộn phim quay buổi lễ Độc lập 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình. Cảnh Bác Hồ dưới nắng Ba Đình đọc Tuyên ngôn độc lập rõ và đẹp. Cuộn phim này chúng tôi đã gửi nhờ vào két sắt của Sứ quán ta”.

Từ Khôi
Theo Tư liệu lưu trữ của Viện Phim Việt Nam