Hành trình tìm về nét đẹp cổ xưa

- Thứ Tư, 18/11/2020, 06:31 - Chia sẻ
Giao lưu, tiếp cận văn hóa thế giới, nhiều người trẻ có nhu cầu trở về với văn hóa truyền thống, tìm lại những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc. Việc tìm hiểu, phục dựng hoặc phỏng dựng văn hóa, phong tục xưa đang thu hút nhiều bạn trẻ với các hội nhóm chuyên sâu về cổ phục, kiến trúc, phim ảnh… Nhiều dự án cổ phong đã và đang được thực hiện, nhằm đưa tinh thần văn hóa Việt vào đời sống hôm nay.

Sức hút của cổ phong

“Khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế, thậm chí rất nhiều người Việt (ở nước ngoài) dường như chỉ biết tới chiến tranh mà không phải điều gì khác. Sự thực đó khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi một nền văn hóa dân tộc rực rỡ có bề dày nghìn năm ở châu Á lại được định nghĩa bằng một cuộc chiến xảy ra cách nay chưa lâu. Trăn trở đó đã thôi thúc chúng tôi mày mò và tìm cách quảng bá nền văn hóa lâu đời của Việt Nam, thông qua từng khía cạnh, bắt đầu từ ăn mặc” - Lâm Vị Quân, nhóm Vietnam Centre (VNC) chia sẻ.

Nhiều dự án đưa tinh hoa văn hóa truyền thống đến với bạn trẻ

Đặt mục tiêu quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, tháng 5.2018, VNC bắt đầu khởi động dự án gây quỹ cộng đồng xuất bản cuốn sách “Dệt nên triều đại” về trang phục triều Lê sơ, nhằm thỏa mãn sự tò mò của người yêu lịch sử về trang phục, cách ăn mặc cũng như văn hóa dân tộc của cha ông. Dự án nhận được sự ủng hộ của gần 300 người Việt từ khắp nơi trên thế giới.

Sau 2 năm nghiên cứu, soạn thảo và hiệu chỉnh, tháng 5.2020, cuốn sách “Dệt nên triều đại” đã hoàn thành, ra mắt độc giả với phiên bản song ngữ Việt - Anh. Tác phẩm mang lại nguồn tư liệu dễ tiếp cận và sử dụng cho những người muốn tìm hiểu về cổ phục Việt Nam. Bên cạnh đó cũng là để tạo hứng thú nơi những người trẻ chưa biết nhiều về chủ đề này.

“Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để khẳng định trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ bao gồm áo dài, người Việt cũng như cộng đồng thế giới cần mở lòng đón nhận những bộ trang phục như áo Giao Lĩnh, áo Viên Lĩnh... là nét đặc trưng trong trang phục Việt cổ xưa. Qua “Dệt nên triều đại”, chúng tôi muốn kể câu chuyện xây dựng “nhận dạng” của quốc gia, dân tộc thông qua câu chuyện bề nổi là dệt và may” - đại diện VNC cho biết.

Việc tìm hiểu nét đẹp, tinh hoa văn hóa dân tộc đã xuất hiện từ lâu trên một số diễn đàn, hội nhóm, trong đó có nhiều thành viên trẻ tuổi. Tuy nhiên, gần đây, việc tìm hiểu, phục dựng hoặc phỏng dựng văn hóa, phong tục xưa của người Việt thu hút hàng vạn bạn trẻ tham gia, tạo không khí sôi nổi trên các diễn đàn, hội nhóm như Đại Việt cổ phong, Thủ Phất Thanh Đài, Đại Nam Hội Quán, Tầm chương trích cú… Nhu cầu tìm hiểu về văn hóa cổ xưa của giới trẻ đa dạng từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đến trang phục, kiến trúc…

Không chỉ tìm hiểu, nghiên cứu, nhiều dự án đã và đang được triển khai, nhằm đưa cổ phong đến với đời sống hôm nay. Ngoài các hội nhóm mang tính tự phát, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng được thành lập, nhằm khai thác, đưa vốn cổ vào thời trang, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, game, truyện tranh, ẩm thực… để tiếp cận thế hệ trẻ, quảng bá tới công chúng trong và ngoài nước.

Cơ hội quảng bá văn hóa truyền thống

Tại tọa đàm “Cổ phong Việt Nam - Hiện trạng và Hướng phát triển từ những Góc nhìn đa chiều” mới đây, nhà nghiên cứu, họa sĩ Đoàn Thành Lộc, người sáng lập Nam Ngọc Hiên cho biết: Hiện nay phong trào cổ phong ở Việt Nam khả quan, trên nhiều lĩnh vực như hội họa, tranh ảnh, kịch, phim... Không chỉ là nhà nghiên cứu có thâm niên, mà nhiều bạn trẻ yêu lịch sử nước nhà cũng đi sâu tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, anh Vũ Đức, người sáng lập thương hiệu Great Vietnam - lấy cảm hứng từ văn hóa cung đình triều Nguyễn cho rằng, tuy khá rầm rộ và được quan tâm thời gian gần đây, cổ phong Việt Nam mới ở chặng đầu tiên; và cổ phục - lĩnh vực được nhiều nhóm quan tâm nhất, cũng đang ở vạch xuất phát. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang có triển vọng, bởi hiện nay, các bạn trẻ có thuận lợi hơn về tiếp cận cổ vật hồi hương; với sự phát triển của internet đã tạo cơ hội tham khảo tài liệu; phân tích, nghiên cứu thông qua kỹ thuật hiện đại và phục chế…

Còn theo Giám đốc Công ty 3DART Đinh Việt Phương: “Đây là lúc thiên thời địa lợi nhân hòa để quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam. Tham gia lĩnh vực này từ đầu những năm 2000, tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là tư liệu. Nhưng hiện nay, bên cạnh tư liệu được chia sẻ rộng rãi, còn có sự phát triển của thực tế ảo, các phương pháp liên quan số hóa, trình diễn, là cơ hội vàng để mọi người hiểu giá trị văn hóa Việt Nam”.

Theo nhà sưu tập cổ vật Tuyết Nguyễn, nhiều cổ vật Việt Nam được hồi hương, thu hút sự quan tâm của công chúng. Mọi người cũng biết đến cổ phong nhiều hơn qua các dự án phim ảnh, các sản phẩm âm nhạc, xuất bản… và đón nhận tích cực. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển cổ phong còn rất lớn. Với sự tham gia của nhiều bạn trẻ, đi sâu vào các lĩnh vực khác nhau và sự hỗ trợ về tư liệu, công nghệ… hứa hẹn sự khởi sắc cổ phong Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, cổ phong là con đường tất yếu đi đến tương lai của một nền văn hóa. Nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, việc tìm về cội nguồn giúp giới trẻ có thể khẳng định mình, thể hiện sự khác biệt trong thế giới phẳng. Trong phong trào tìm về tinh hoa truyền thống, nhiều người trẻ chú ý hơn tới “kho báu” quý giá ấy, khai thác, sáng tạo và phát triển, đưa nét đẹp cổ xưa trở lại đời sống đương đại.

Ngọc Phương