Hành trình tìm mộ Liệt sỹ Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên (Phần 2)
Ngày 9.4.2007, mộ phần của cụ Nguyễn Văn Tố đã được tìm thấy tại xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn. Để có kết quả này, đoàn tìm mộ đã phải 2 lần đi khảo sát thực địa, xác định địa điểm. Lần thứ 3, sau 3 ngày 2 đêm tổ chức khai quật vất vả, đoàn đã tìm thấy di hài cần tìm. Địa điểm của ngôi mộ nằm tại thôn Ngoàn, cách hang Pá chủ 500m, trong vườn nhà ông Tiến...

Năm 1948, Chính phủ đã tổ chức Lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố ngay tại núi rừng Việt Bắc. Trong bài truy điệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời lẽ trân trọng, thống thiết: Nhớ cụ xưa/Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng/ Phú quý, công danh, cụ nào có thiết/ Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt/ Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương nhớ... |
Kỳ II: Mộ phần Liệt sỹ Nguyễn Văn Tố đã được tìm thấy như thế nào?
Với tình cảm và trách nhiệm đối với cụ Nguyễn Văn Tố, một đoàn gồm đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH Bắc Kạn, Hội Sử học VN, Ban liên lạc Hội truyền bá Quốc ngữ với sự trợ giúp của Nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng đã nỗ lực tìm kiếm di hài cụ Trưởng ban. Những thông tin thu thập liên quan đến sự kiện cụ Tố hy sinh cuối cùng cũng chỉ mang tính chất tham khảo, không giúp xác định chính xác vị trí di hài cụ được chôn cất ở đâu. Trong quá trình tìm kiếm, cần phải ghi nhận sự nhiệt tình giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, UBND huyện và huyện đội Bạch Thông, lãnh đạo xã Quyết Tiến, xã Nguyên Phú và bà con thôn Ngoàn.
Ngày 9.4.2007, mộ phần của cụ Nguyễn Văn Tố đã được tìm thấy tại xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn. Để có kết quả này, đoàn tìm mộ đã phải 2 lần đi khảo sát thực địa, xác định địa điểm. Lần thứ 3, sau 3 ngày 2 đêm tổ chức khai quật vất vả, đoàn đã tìm thấy di hài cần tìm. Địa điểm của ngôi mộ nằm tại thôn Ngoàn, cách hang Pá chủ 500m, trong vườn nhà ông Tiến. Ngôi mộ giống như một chiếc thuyền con úp, đầu và chân mộ được chặn đá đánh dấu. Ngôi mộ thứ 2 cũng được đánh dấu bằng đá, nằm ở triền đồi phía trên, cao hơn một chút. Từ trước đến nay, cán bộ xã và dân bản ở đây chỉ biết đó là 2 ngôi mô vô danh. Ông Tiến cho biết, hai ngôi mộ này bố ông nói lại là tìm thấy xác trước cửa hang Pá chủ, được chuyển về an táng tại vườn nhà vào thời điểm năm 1947. Không thấy bố ông nói lại danh tính, cũng không biết đó là người cách mạng hay dân công hỏa tuyến, ông chỉ được dặn là phải hương khói cẩn thận. Điều đặc biệt là, từ sơ đồ nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng vẽ trước khi đi tìm mộ và trên thực địa, nơi ngôi mộ được tìm thấy, hầu như không sai số là bao.
Theo dõi hành trình tìm mộ cụ Nguyễn Văn Tố, chúng tôi cho rằng có những chi tiết có giá trị lịch sử sâu sắc, cần tiếp tục được nghiên cứu. Thứ nhất, từ thông tin của nhà ngoại cảm, những di vật phát hiện tại cuộc khai quật cho đến thông tin từ các nhân chứng cho thấy, cụ Nguyễn Văn Tố bị bắt, bị giam một thời gian, bị tra tấn dã man, cuối cùng bị bắn chết là hoàn toàn có căn cứ. Khi khai quật hài cốt, đã phát hiện có 3 chiếc đinh đóng ở các vị trí: cằm, vai, tay... Điều này chứng tỏ trước khi bị bắn, cụ Tố đã bị tra tấn rất dã man. Thông tin từ cụ Vũ Đình Hòe- Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, ĐBQH Khóa I, cũng xác nhận điều này. Khi tìm hiểu về sự kiện cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh, cụ Vũ Đình Hòe cho chúng tôi biết: “Không phải là chúng bắt được ông cụ rồi bắn chết ngay mà còn giam lỏng một thời gian ngắn. Chúng đã dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn để dụ theo Pháp nhưng cụ không chịu. Nhân một buổi chiều, trời nhá nhem tối, cụ tìm cách trốn thoát thì bị bắn chết”. Trong Lời điếu văn cụ Tố của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố năm 1948 cũng chứng minh rằng, thời đó, có nhiều người biết việc cụ Tố bị tra tấn dã man trước khi hy sinh: “Chúng tra tấn cụ, cực kỳ tàn khốc dã man/ Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt/ Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa...”. Thứ hai, trước khi tiến hành khai quật mộ cụ Nguyễn Văn Tố, đã có tài liệu nói rằng, khi bị bắn, cụ Tố có một chiếc bút máy do Hồ Chủ tịch tặng. Khi khai quật hài cốt, ngoài các di vật là một chiếc huy hiệu đã bị mờ, gáy da làm bìa của một cuốn sổ đã mủn... là một chiếc bút máy hiệu Parker có ngòi mạ vàng. Vật dụng cao cấp này khó có thể là của một người dân công hỏa tuyến hay một cán bộ cách mạng bình thường...
Ngay sau khi tìm thấy hài cốt cụ Nguyễn Văn Tố, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn và các ban ngành trong tỉnh đã tổ chức đưa hài cốt về để tạm tại nghĩa trang liệt sỹ Phủ Thông (Bạch Thông). Ngày 10.4.2007, Đoàn tìm mộ và đại diện gia đình cụ Nguyễn Văn Tố đã gặp Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu báo cáo kết quả việc tìm mộ. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yểu hoan nghênh sự nhiệt tình của các thành viên và đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn bảo quản di hài chu đáo. Ngày 19.4.2007, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đã gặp đoàn tìm mộ và đại diện gia đình cụ Nguyễn Văn Tố. Chủ nhiệm Bùi Ngọc Thanh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Quốc hội khẩn trương làm các thủ tục để tổ chức lễ trọng nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27.7.
Tuy nhiên, kể từ khi tìm thấy mộ cụ Nguyễn Văn Tố, thời gian đã kéo dài 3 tháng, đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức của Nhà nước. Việc tổ chức công bố và truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố vào đúng dịp 60 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ sẽ rất có ý nghĩa, bởi ngoài chức vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội) đầu tiên, cũng có thể coi cụ Tố là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ tiền thân của Bộ LĐ-TB và XH hiện nay. Vả lại, đến tháng 10 này là tròn 60 năm ngày giỗ cụ Nguyễn Văn Tố.
Nguyễn Minh Đức
_______________
Kỳ III: Về một thương binh- nhà ngoại cảm chuyên tìm mộ liệt sỹ