Hành trình kỳ diệu của cá tra

Bài và ảnh: Vũ Châu 14/12/2022 19:33

Trong hai ngày từ 16 -17.12, Lễ hội cá Tra lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề “Vươn ra biển lớn" UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN và PTNT tổ chức sẽ diễn ra tại thành phố Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp. Theo Bộ NN và PTNT, cá tra là một trong những sản phẩm quốc gia được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước.

Từ "ao làng" ra biển lớn

Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long, ngành hàng cá tra Việt Nam không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn.

Hành trình kỳ diệu của cá tra -0
Ngành cá tra phát triển tạo công ăn việc việc làm cho hàng ngàn nông dân ĐBSCL 

Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồng Ngự Lê Hà Luân, Hồng Ngự là nơi khởi nguồn của con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Trước kia, người dân chỉ ra sông vớt cá tra loại loại nhỏ (cá bột, cá hương) về nuôi lớn trong ao để làm thức ăn hàng ngày trong gia đình. Sau này, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến, con cá tra trải qua hành trình cải thiện chất lượng, mẫu mã trở thành mặt hàng xuất khẩu được thế giới ưa chuộng. Nếu như năm 1997, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới, chỉ thu về được 1,6 triệu USD thì nay cá tra đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động. Năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng ngành hàng cá tra đã hết sức năng động, sáng tạo, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ thị trường sau đại dịch, tính đến ngày 15.11.2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD là đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng, dự kiến đến hết năm sản lượng đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD.

Để ngành cá tra bền vững hơn

Bí thư thành ủy TP Hồng Ngự Lê Hà Luân chia sẻ: "Sau hơn 20 năm phát triển, ngành các tra đã viết nên kỳ tích. Tuy nhiên, chúng ta phải giúp ngành cá tra phát triển bền vững hơn. Vì lẽ đó, Lễ hội cá tra lần này để nhìn nhận lại về tổng thể câu chuyện về con cá tra, bắt đầu thế nào? thăng trầm với nó ra sao?. Từ đó rút ra bài học và định hướng cho năm 2023”

Hành trình kỳ diệu của cá tra -0
Chuẩn bị con giống mới để ngành cá tra vươn xa

Lê hội lần này dự kiến thu hút khoảng 50.000 người tham dự, là các đối tác ngành hàng cá tra, du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội cá tra là hoạt động hướng đến duy trì tổ chức hằng năm để xây dựng hình ảnh Thủ phủ cá Tra - Hồng Ngự đồng thời quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra, một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thông qua các hoạt động tại Lễ hội là cơ hội để các doanh nghiệp, đổi tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến, năng suất cá tra của Việt Nam đang cao nhất thế giới, nhưng như vậy không có nghĩa là cá tra đã hoàn hảo. Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ, như: việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp: quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị sử dụng hiệu quả phụ phẩm; phát triển thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khấu và thị trường tiêu dùng nội địa. 

"Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tình trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, tỷ lệ phi lê, chịu mặn...; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đề nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Nhận định công nghệ chế biến cá tra ở Việt Nam đạt trình độ cao ngang tầm thế giới, song Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản vẫn cho rằng, phần sản phẩm của ta chưa tận dụng được hết các thành tố quan trọng của con cá tra. Con cá tra được sử dụng gần hết các bộ phận như: thịt cá phi lê, da cá có một số doanh nghiệp sử dụng để làm collagen, mỡ cá làm dầu ăn, các phần còn lại chủ yếu xay làm thức ăn chăn nuôi. Song, để gia tăng lợi nhuận, ngành cá tra cần tiến tới làm các sản phẩm mới. Qua lễ hội này, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu cẩm nang 200 món chế biến từ cá tra để chinh phục thị trường trong nước, nhất là các tỉnh phía Bắc để hoàn thiện mảnh ghép cho hành trình của con cá tra.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hành trình kỳ diệu của cá tra
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO