Hành trình kiên cường từ lò gạch đến VinUni của nữ sinh Nguyễn Thị Châu Anh
Những ký ức tuổi thơ với hình ảnh cha mẹ oằn mình bốc gạch để kiếm 70 nghìn đồng một ngày đã khiến cô bé 7 tuổi Nguyễn Thị Châu Anh tự hỏi “Làm sao để thay đổi cuộc sống hiện tại?”, cũng từ đó ước mơ đổi đời bằng tri thức đã nảy mầm.
Tạm dừng để tiến xa
Dù ước mơ là thế nhưng hoàn cảnh gia đình đã khiến Châu Anh chọn một con đường không giống với bạn bè đồng trang lứa. Thay vì vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, Châu Anh dành hai năm "gap year" tạm dừng học để mưu sinh và tìm kiếm hướng đi cho mình.
Đó là một quyết định được tính toán kỹ càng, với Châu Anh tiếp xúc sớm với thị trường lao động chính là để định hướng cho mục tiêu phát triển của bản thân.
Không chỉ đi làm, Châu Anh cũng rất tích cực trong các hoạt động xã hội, cô bạn tham gia chống dịch Covid cùng Thành Đoàn, rồi bén duyên với hệ sinh thái khởi nghiệp trẻ. Đó cũng là cơ duyên, thôi thúc cô gái trẻ nộp đơn vào VinUni – nơi mang tới cơ hội học tập như du học sinh ngay tại Việt Nam.
Và rồi, hai năm tạm nghỉ của Châu Anh cũng đơm hoa kết trái khi em chính thức trở thành sinh viên Viện Kinh doanh Quản trị của VinUni. Cũng tại nơi đây, cô gái trẻ đã dần tìm được câu trả lời cho chính mình, VinUni - hành trình tri thức chính là cánh cửa để giúp Châu Anh thay đổi cuộc sống.
Bốn năm ở VinUni, Châu Anh vừa học vừa làm không ngừng nghỉ. Bạn từng đảm nhiệm vai trò thư ký cho Shark Phi - Giám đốc điều hành VinTech City (Tập đoàn Vingroup), đồng thời là thư ký cho CEO của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC.
Châu Anh cũng từng đại diện Việt Nam trình bày giải pháp tại cuộc thi sáng tạo do Sở KH&CN TP.HCM và Đại sứ quán Israel tổ chức. Các vị trí đã mang tới cho Châu Anh trải nghiệm được làm việc cùng các CEO và chuyên gia quốc tế đầy tài năng khi mới chỉ là sinh viên năm nhất.
Nhiều kế hoạch, dự định là vậy, nên Châu Anh luôn phải sắp xếp thời gian, đảm bảo cân đối việc học và đi làm. Mỗi kỳ nghỉ giữa các môn, thay vì đi chơi, đi du lịch như nhiều bạn bè khác, Châu Anh lại chọn bay vào TP.HCM để tiếp tục công việc.
Có những thời điểm đang là sinh viên nhưng Châu Anh đã kiêm nhiệm cùng lúc 3 vị trí: trợ lý cho CEO tại một trung tâm khởi nghiệp, quản lý phát triển thị trường tại startup công nghệ vật liệu mới và điều phối chương trình cố vấn cho cộng đồng sinh viên.
Một may mắn với Châu Anh đó là được nhà trường linh hoạt, tạo điều kiện để vừa hoàn thành tốt việc học, vừa theo đuổi đam mê nghề nghiệp dù lịch học ở VinUni rất căng.
Cùng với đó, công ty nơi Châu Anh làm việc cũng hiểu và hỗ trợ, cho phép bạn làm việc theo thời gian linh hoạt hoặc làm từ xa để vẫn có thể tốt nghiệp đúng hạn.
Năng lượng, nhiệt huyết là vậy, nhưng cũng không tránh khỏi những lúc Châu Anh rơi vào cảm giác kiệt sức. Ở kỳ học đầu tiên, vừa mắc Covid, vừa tham gia phòng chống dịch tại địa phương, đồng thời học online và hoàn thành thêm một khóa học quốc tế khiến Châu Anh bị quá tải.
Châu Anh chia sẻ kỷ niệm về lần đang họp nhóm chuẩn bị bài thuyết trình, vừa tắt màn hình xuống là cô sinh viên nhỏ bật khóc vì mệt, vì áp lực, nhưng trên hết là vì cô gái ấy không muốn bỏ cuộc và không chấp nhận để bản thân bỏ cuộc.
Với sự quyết tâm đó, Châu Anh đã học cách cân bằng và mỗi ngày “nới rộng” thêm giới hạn của bản thân để học cách trở nên kiên cường bước qua thử thách.
Số mệnh như luôn biết cách bù đắp cho những người quyết tâm, mỗi bước đi của Châu Anh luôn có bạn bè và thầy cô đồng hành. Những bài học ở trường không chỉ nằm trên slide bài giảng mà đến từ chính cách thầy cô và nhân viên ở trường đã tin tưởng, đồng hành và trao quyền cho sinh viên.
Ở VinUni, Châu Anh không chỉ được học tập từ giáo trình hiện đại, mà còn có cơ hội gặp gỡ những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Tại sự kiện VinFuture, Châu Anh từng có cơ hội trao đổi trực tiếp với giáo sư Soumitra Dutta – Hiện là Hiệu trưởng Saïd Business School, Oxford.
Hay một kỷ niệm khiến cô bạn nhớ mãi là lần đầu nộp bài muộn, các giáo sư không hề phạt mà còn quan tâm hỏi thăm: “Em ổn không? Có cần giúp đỡ gì không?”.
Chính những hạt mầm ấm áp bé nhỏ ấy, đã giúp trái tim cô sinh viên học xa nhà thêm bản lĩnh, tự tin. Cũng từ đó VinUni đã trở thành một hành trình học tập, trải nghiệm đầy kỷ niệm nhân văn với cô sinh viên Châu Anh.

Động lực là tài sản lớn nhất
Khi được hỏi về những kinh nghiệm quý báu và những kỷ niệm khó quên nhất trong quá trình đi làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường của mình, Châu Anh luôn bày tỏ sự trân quý với những cơ hội đã đến với mình, cô gái ấy cũng không giấu nổi sự ngưỡng mộ dành cho những người lãnh đạo mình đã may mắn được làm việc cùng.
Khi làm việc với Shark Phi - Giám đốc điều hành VinTech City, Tổng Thư Ký Hội Doanh Nghiệp Trẻ TP HCM (YBA), Châu Anh đã được truyền cảm hứng thông qua sự quyết liệt trong các quyết định của một lãnh đạo nữ.
Với cô bé sinh viên chập chững bước vào đời, một nữ lãnh đạo đã chọn làm gì sẽ làm bằng mọi giá với chất lượng tốt nhất chính là hình tượng nữ quyền đáng học hỏi.
Hay như CEO BSSC Nguyễn Thị Diệu Hằng lại là người dạy Châu Anh cách làm việc có hệ thống, theo chiều sâu và lan tỏa khả năng ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ.
Từ hai người chị đáng kính, Châu Anh học được cách ra quyết định, giữ được giá trị sống trong từng hành động và biết cách truyền cảm hứng cho người khác dù ở vị trí nào.
Trong vai trò Quản lý Phát triển, Châu Anh từng phụ trách phát triển thị trường cho Graphenel với các sản phẩm được làm từ mỡ động vật, ứng dụng trong bê tông, lớp sơn, vật liệu xây dựng cầu đường.
Dù các sản phẩm của Graphenel được công nhận về mặt khoa học, nhưng thử thách lớn nhất là làm sao để thuyết phục khách hàng B2B sử dụng sản phẩm này.
Thử thách cũng là cơ hội để Châu Anh toả sáng, cô sinh viên trẻ không chỉ đóng vai trò như một “phiên dịch”, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ và tin tưởng vào sản phẩm, mà đồng thời còn phối hợp sản xuất với các bộ phận để đảm bảo chất lượng và số lượng.
Đây cũng là công việc giúp Châu Anh học cách kết nối đa ngành, kể một câu chuyện thuyết phục và đưa sản phẩm khoa học ra thị trường thực tế.
Để hoàn thành được tất cả các vị trí đó, động lực để vươn lên, để thay đổi cuộc đời, kiến tạo lại tương lai chính là tài sản lớn nhất mà Châu Anh sở hữu.
Khát vọng đóng góp, không dừng lại ở thành công cá nhân
Ở thời điểm đại dịch Covid-19 lan khắp Việt Nam, Châu Anh từng ăn mì gói suốt hai tháng để dành dụm được 6 triệu đồng phòng khi cần mua vé máy bay về thăm ba mẹ trong tình huống khẩn cấp.
Những tháng ngày khó khăn ấy đã giúp Châu Anh cảm nhận được rõ nhất sự yêu thương và những cơ hội mà mọi người trao cho mình. Cũng qua đó cô gái trẻ đã chọn ‘trả ơn bằng cách trao đi’.
Châu Anh thường xuyên tham gia các dự án hỗ trợ startup hay các chương trình cộng đồng như Trà Đá Mentor – nơi chia sẻ với những sinh viên đang gặp khó khăn.
Thấm thía rằng chỉ cần một cơ hội đúng lúc đôi khi có thể thay đổi cả một cuộc đời, chính vì vậy Châu Anh luôn muốn mang cơ hội đến cho những người khác.
Ở thời điểm hiện tại, Châu Anh có cơ hội được làm việc và trao đổi với hơn 2.000 startup mỗi năm. Điều đó giúp cô gái trẻ hiểu rất rõ khởi nghiệp là một hành trình không dễ dàng và không phải ai cũng đi được đến cuối.
Trong cô gái ấy là sự ngưỡng mộ với những người chèo lái các startup đến thành công, ngưỡng mộ năng lực chuyên môn, ý chí kiên cường và niềm tin bền bỉ của họ.
Qua quá trình tích góp những kinh nghiệm của mình, Châu Anh hiểu rằng để bắt đầu một hành trình khởi nghiệp, không chỉ cần có “duyên” mà hơn hết cần có đủ năng lực, đủ khiêm tốn để học hỏi và đủ kiên trì để bước tiếp khi mọi thứ không như kỳ vọng.
Trong tâm niệm của mình, Châu Anh hiểu rằng nếu có một ngày được khởi nghiệp, đó sẽ không phải là mong muốn cá nhân, “bắt đầu cho có”, mà vì sự sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng với điều mình tạo ra cả về giá trị, con người, lẫn tác động xã hội.
Biết ơn, khiêm nhường và sẵn sàng cho hành trình mới
Trước thềm tốt nghiệp, cô sinh viên Châu Anh đang dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng bạn bè – những người đã đồng hành bên mình suốt 4 năm.
Trong mọi chia sẻ của mình, Châu Anh không giấu nổi niềm tự hào khi được là một phần của VinUni. Bởi ở nơi đây, dù có xuất phát điểm ra sao, mỗi bạn sinh viên đã cùng nhau nâng tiêu chuẩn sống và học tập mỗi ngày.
Với mạng lưới alumni sắp tới, Châu Anh và nhiều bạn sinh viên khác tự tin rằng mình có thể mạnh mẽ bước vào cuộc đời, có sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong tương lai.

Từ một cô bé 7 tuổi từng chứng kiến ba mẹ làm việc trong lò gạch giữa nắng nóng, đến hôm nay được học tập trong một môi trường mơ ước, được làm việc với giấy bút là cả một hành trình không hề dễ dàng.
Nhưng chắc chắn rằng tốt nghiệp VinUni không phải kết thúc, mà là một khởi đầu mới. Bởi tiếp sau đây, Châu Anh vẫn tiếp tục học hỏi, giữ thái độ khiêm tốn và không ngừng rèn luyện để những gì mình học được có thể trở thành giá trị thật sự cho cộng đồng.
May mắn lớn nhất trong cuộc đời Châu Anh chính là sự đồng hành của ba mẹ. Dù sinh ra trong một gia đình không khá giả, nhưng luôn đầy ắp tình thương và niềm tin đã tiếp thêm động lực để cô sinh viên không bao giờ từ bỏ.
Là con gái nhưng lại có cá tính và ấp ủ nhiều dự định táo bạo, chọn đi xa, tạm dừng học hai lần, thật không dễ để nhận được sự ủng hộ của ba mẹ. Nhưng Châu Anh đã luôn chia sẻ rõ ràng suy nghĩ, quan điểm của mình từ lớp 12 và thuyết phục bố mẹ bằng thực lực của mình.
Nhờ đó, cô bạn không chỉ nhận được sự đồng thuận của ba mẹ, mà còn được lắng nghe những chia sẻ quý báu của những người đi trước. Dù sau năm “gap year” thứ hai – giữa mùa Covid, ba mẹ bắt đầu lo lắng và gọi điện nhiều hơn, nhưng chưa từng ngăn cản quyết định của cô con gái.
Nhắc về gia đình của mình, Châu Anh xúc động nhớ về lần từng hỏi ba mẹ nếu kể về hoàn cảnh gia đình, ba mẹ có buồn không. Câu trả lời của ba mẹ khiến cô bé càng thêm trân quý sự hi sinh và tình yêu thương vô điều kiện của gia đình: “Từ mẫu giáo con đã làm lớp trưởng, ai cũng quý, dù nghèo, con vẫn là niềm tự hào.”
Cô gái 7 tuổi năm nào giờ đây đã trưởng thành, đã đứng trước những ngưỡng cửa mới của cuộc đời, chỉ còn ít ngày nữa cô sinh viên Châu Anh sẽ tốt nghiệp. Kết thúc quãng đời sinh viên nhiều kỷ niệm, Châu Anh luôn thầm cảm ơn người bà và đôi tay thô ráp đã tảo tần ngoài ruộng để ba mẹ mình có thể làm ở lò gạch.
Cô gái ấy cũng luôn biết ơn ba mẹ của mình, cũng là những đôi bàn tay thô ráp vì những tháng năm vất vả lò gạch, nhưng họ đã gánh cả cuộc đời Châu Anh trên đôi vai.
Sinh ra trong một gia đình lao động, nhưng chưa khi nào Châu Anh cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng về xuất thân của mình, bởi cô gái ấy hiểu rằng nhờ có những giọt mồ hôi chân chất, thật thà, vất vả sớm tối đó mới có cô bé Châu Anh ngày hôm nay được làm việc với giấy bút, được theo đuổi con đường tri thức.
Châu Anh luôn mong rằng những thế hệ sau trong gia đình và những bạn trẻ khác sẽ được lớn lên trong môi trường tốt hơn, được tự do thể hiện trọn vẹn khả năng và giá trị nhân văn của mình.
Những thành công đầu đời của cô gái trẻ Châu Anh được dựng xây nên nhờ lòng tin của ba mẹ vào cô con gái của mình, dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, con mình rồi sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
Và Châu Anh cũng luôn biết ơn cha mẹ của mình nhờ sự hi sinh và tin tưởng con cái vô điều kiện mới có một Nguyễn Thị Châu Anh trưởng thành ngày hôm nay. Và hơn thế, tất cả những bạn trẻ khác cũng thật may mắn vì luôn có cha mẹ tin tưởng để thế hệ sinh viên VinUni có cơ hội vững bước vào tương lai.
Chính niềm tin ấy là nền móng cho mọi hạt giống ước mơ được nảy mầm và vươn cao.