Hành trình hóa “hổ”
Khi nói về “Hổ châu Á”, người ta thường đề cập đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan - những quốc gia và vùng lãnh thổ đã có bước tăng trưởng thần kỳ trong khoảng từ giữa những năm 1960 và 1990. Giờ đây, Bangladesh đang khát khao có tên trong danh sách đó dù từng là một trong những quốc gia nghèo nhất Nam Á.
Những con số ấn tượng
Từng là một vùng nghèo nhất của Pakistan, Bangladesh được biết đến là một nền kinh tế yếu kém, bị bao vây bởi đói nghèo, cùng cực trong nhiều năm kể từ khi giành độc lập vào năm 1971. Vào năm 2006, hy vọng dường như sụp đổ khi Bangladesh đăng ký tăng trưởng cao hơn Pakistan nhưng thất bại. Tuy nhiên, cũng chính năm này lại trở thành cột mốc thay đổi. Kể từ đó, tăng trưởng GDP hàng năm của Bangladesh liên tục vượt Pakistan khoảng 2,5%. Thậm chí năm nay, nước này có khả năng vượt qua cả Ấn Độ. Nếu nhìn vào 2 thập kỷ trước, đây là điều không tưởng.
![]() Ngành may mặc đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Bangladesh |
Hiện nay, Bangladesh là một trong những nền kinh tế tốt nhất châu Á với mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 6%. GDP bình quân đầu người của Bangladesh cũng tăng hơn hai lần từ năm 2000 đến năm 2017 với 1.359 USD vào năm 2017. Đất nước này hy vọng sẽ đạt được trạng thái thu nhập trung bình vào năm 2021. Ngoài ra, Bangladesh đã giảm nghèo và nghèo cùng cực một cách ngoạn mục. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Bangladesh đã giảm nghèo từ 48,9% xuống còn 24,3% và nghèo đói cùng cực từ 34,3% xuống còn 12,9% trong giai đoạn 2000 - 2016.
Một con số ấn tượng khác là Bangladesh trở thành nền kinh tế mới nổi xếp thứ 34 trên thế giới và thứ 6 ở châu Á, trong khi các nước Nam Á khác như Ấn Độ, Pakistan chỉ xếp tương ứng ở vị trí 62 và 47. Theo các chuyên gia kinh tế, từ một nước kém phát triển, Bangladesh sẽ sớm trở thành quốc gia đang phát triển vào 2023 và thành tích đó tạo động lực để biến họ thành con hổ châu Á mới.
Bí quyết thành công
Tương tự như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan trong quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế, phần lớn tăng trưởng mà Bangladesh đạt được đến từ xuất khẩu hàng may mặc, chiếm tới 80% lượng xuất khẩu cả nước. Thậm chí, Bangladesh chiếm khoảng 2/3 thị phần sản xuất giá rẻ của Trung Quốc ở châu Âu. Nước này sở hữu nhiều hãng may lớn, đặc biệt là so với ở Ấn Độ vốn bị kiểm soát bởi rất nhiều đạo luật lao động khác nhau. Mặc dù Bangladesh vẫn cần nhiều luật lệ chặt chẽ hơn để bảo vệ người lao động nhưng luật pháp hiện hành tạo điều kiện cho các công ty sản xuất có môi trường phát triển nhanh, thúc đẩy việc làm, từ đó giúp kinh tế phát triển.
Một số nhà phân tích nhận định, nền kinh tế Bangladesh chuyển biến lớn còn là nhờ những thay đổi đáng kể về mặt xã hội, bắt đầu bằng việc trao thêm quyền cho phụ nữ. Hiện nay, phái yếu có tiếng nói trọng lượng hơn cả trong và ngoài gia đình. Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ đã giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường giáo dục cho trẻ em. Chẳng thế mà tuổi thọ trung bình của người Bangladesh hiện nay vào khoảng 72 tuổi so với 68 tuổi của người Ấn Độ và 66 tuổi của người Pakistan.
Còn nhiều việc phải làm
Theo các chuyên gia kinh tế châu Á, nếu Bangladesh đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng là 8% vào năm 2020, nghĩa là nước này đang bắt đầu đa dạng hóa thương mại sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như điện tử, hàng tiêu dùng... để tăng thêm giá trị.
Để có thể đa dạng hóa thương mại ngoài ngành may mặc, Bangladesh phải làm được hai việc: Cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư. Hiện nay, cơ sở hạ tầng nghèo nàn đang làm cho việc vận chuyển hàng hóa trên toàn quốc trở nên khó khăn. Ngoài ra, hơn 20% trong khoảng hơn 156 triệu dân không được kết nối với lưới điện, và các công ty thường phải sử dụng các máy phát điện dự phòng của riêng mình do nguy cơ mất điện cao.
Những yếu tố đó, cộng với nạn tham nhũng hoành hành khiến cho Bangladesh vẫn là một trong những nơi khó làm ăn nhất trên thế giới. Theo Capital Economics, Chính phủ nước này cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác chống tham nhũng, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho các thủ tục sang nhượng đất, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho các công ty tư nhân và đảm bảo an ninh. Những sáng kiến này sẽ cải thiện chỉ số kinh doanh (DBI) trong tương lai và Banglasesh sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. DBI của Bangladesh xếp thứ 7 trong Nam Á và đứng thứ 177 trên thế giới.
Chính phủ quốc gia Nam Á này đang từng bước cải thiện môi trường đầu tư. Chẳng hạn như cải cách thủ tục thành lập doanh nghiệp xuống chỉ còn 7 ngày thay vì 19,5 ngày, cấp giấy phép xây dựng trong vòng 60 ngày thay vì 278 ngày hay giảm thời gian để một công ty được kết nối với lưới điện quốc gia xuống 28 ngày so với 404 ngày như hiện tại... Ngoài ra, Bangladesh còn lên kế hoạch đơn giản hóa đăng ký tài sản, tăng cường thực thi hợp đồng, hợp lý hóa các thủ tục thương mại xuyên biên giới, số hóa các khoản thanh toán thuế để cải thiện thu thuế… Những tiến bộ trên đã làm cho Bangladesh trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Hổ Bengan là một trong những biểu tượng quốc gia của Bangladesh. Với những tín hiệu khởi sắc thời gian qua, hành trình hóa “hổ” thực sự của đất nước Nam Á sẽ sớm thành hiện thực.