Nguyễn Nam Sơn, thành viên nhóm nghiên cứu là học sinh lớp 12A1 Toán Trường THPT chuyên KHTN. Ngay từ khi bước chân vào môi trường cấp 3, em đã thể hiện niềm đam mê với công nghệ, đặc biệt là công nghệ sức khỏe. Chính bởi vậy, khi quyết tâm tham dự Olympic Phát minh và sáng chế thế giới 2024, Nam Sơn đã cùng nhóm của mình lựa chọn hướng nghiên cứu sản phẩm công nghệ sức khoẻ làm mũi nhọn.
Với sự hướng dẫn của thầy giáo Phạm Văn Khương – Học viện Giáo dục công nghệ và Tư vấn du học BKSTAR, nhóm nghiên cứu gồm các em: Nguyễn Nam Sơn, Nguyễn Minh Hiếu, Lê Hoàng Gia Bảo, Nguyễn Bảo Minh Sơn, Phạm Gia Hưng, Lê Nhật Minh, Nguyễn Đăng Dương, Đỗ Việt Huy, Đỗ Gia Khánh, Hoàng Hải Việt đã mang tới WICO 2024 hai dự án nghiên cứu: “Diabetic ketoacidosis monitoring device” – Thiết bị theo dõi nhiễm toan ceton do tiểu đường và “IOT radiation detection device” - Thiết bị phát hiện bức xạ IOT.
“Nhóm chúng em là tập hợp của những bạn trẻ đam mê công nghệ, bắt tay vào nghiên cứu đề tài từ tháng 5.2024. Mỗi bạn đều có thế mạnh riêng và chúng em tìm thấy sự hiểu nhau trong quá trình nghiên cứu.”, Nguyễn Nam Sơn cho biết.
Một đoạn trong bản thuyết trình bằng tiếng Anh của nhóm Nam Sơn tại WICO 2024 có mô tả: “Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi bệnh nhân căng thẳng, hàm lượng đường trong máu vượt quá 300 mg/dl hoặc ở phụ nữ đang mang thai mắc bất kỳ loại bệnh tiểu đường nào.
Tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường thường được kiểm tra bằng cách sử dụng que thử nước tiểu hoặc máy đo ceton trong máu. Mỗi phương pháp này đều khá bất tiện: que thử xeton trong nước tiểu có giá khoảng 0.20 USD mỗi que và đo lượng acetoacetate bài tiết qua thận; còn máy đo ceton trong máu cần lấy mẫu máu để phân tích. Hiện tại không có thiết bị thương mại nào để đo lượng aceton trong hơi thở nhằm theo dõi sự phát triển của bệnh nhiễm toan ceton do tiểu đường. Vì lý do này, nhóm của chúng em đề xuất một giải pháp tiện lợi để đo mức aceton trong hơi thở.”
Chia sẻ về hành trình giành Huy chương Vàng của nhóm mình, Nam Sơn cho biết: “Trong quá trình ôn luyện, tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra sản phẩm, chúng em được học thêm về cách lập trình vi điều khiển, sử dụng các phần mềm mô phỏng cũng như vận hành các loại máy móc. Những bài học này không chỉ mang tính lý thuyết mà còn có tính thực tiễn cao, giúp chúng em hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của công nghệ. Chính những điều này đã giúp chúng em thành công đạt được Huy chương Vàng trong cuộc thi WICO. Sự nỗ lực và kiên trì trong suốt quá trình ôn luyện đã được đền đáp xứng đáng.”
Tham dự WICO 2024 năm nay, bên cạnh nhóm nghiên cứu của Nam Sơn, Học viện Giáo dục công nghệ và Tư vấn du học BKSTAR còn đưa tới cuộc thi nhóm nghiên cứu với đề tài hết sức thiết thực, “IOT radiation detection device” - Thiết bị phát hiện bức xạ IOT.
Đại diện nhóm nghiên cứu - em Lê Nhật Minh cho biết, dự án của nhóm tập trung vào việc tạo ra một thiết bị nhỏ gọn, di động sử dụng công nghệ IoT để đo mức bức xạ theo thời gian thực và truyền dữ liệu để phân tích. Thiết bị này nhằm mục đích cung cấp giải pháp giá cả phải chăng và có thể mở rộng để theo dõi bức xạ.
“Trước khi tham gia, em cảm thấy hồi hộp và lo lắng nhưng khi đặt chân đến cuộc thi, mọi cảm giác đó nhanh chóng tan biến. Không khí tại cuộc thi rất sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Em đã chứng kiến sự nỗ lực không ngừng của các thí sinh, ai nấy đều mong muốn thể hiện bản thân và chinh phục những thử thách khó khăn. Được tham gia vào những phần thi đầy sáng tạo và trí tuệ, em cảm thấy tự hào vì đã có mặt ở đây, là một phần của cuộc thi lớn.”, Nhật Minh chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Văn Khương – Founder BKSTAR chia sẻ: “Hành trình tới với WICO 2024 của hai nhóm học sinh là thành quả từ công sức, sự nỗ lực và năng lực của các em. Thời điểm đầu khi nhận nhóm, chúng tôi biết các em đam mê công nghệ nhưng chưa có hướng đi cụ thể. Các kiến thức chuyên môn, lập trình, điện tử đều gần như bằng không.
BKSTAR với phương châm “Gieo mầm sáng tạo, dẫn lối đam mê”, chúng tôi đóng vai trò rèn luyện cho các bạn kiến thức nền, nắm được các bước tạo ra sản phẩm. Trong hai dự án nghiên cứu lần này, chúng tôi còn đóng vai trò định hướng, đưa ra cho các bạn những chỉ dẫn cần thiết về lý thuyết, phương pháp, còn phần kỹ thuật đều tự tay học sinh làm.
Sau hai tháng làm việc, các bạn như trở thành những con người khác, tự tin trong phong thái, kỹ năng làm việc nhóm được nâng cao và chuyên môn vững vàng. Hai tấm Huy chương Vàng WICO 2024 là thành quả xứng đáng với công sức và nỗ lực của các em.”
Olympic Phát minh và sáng chế thế giới là cuộc thi dành cho học sinh phổ thông do Hiệp hội Phát minh Sáng chế các trường đại học Hàn Quốc tổ chức và được Quốc hội Hàn Quốc bảo trợ. Cuộc thi năm nay diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) vào các ngày 23 - 24.7.2024.
Đây là cuộc thi danh giá được tổ chức thường niên, nhằm tạo cơ hội cho các học sinh, sinh viên, nhà đầu tư trẻ thảo luận, giới thiệu những tiến bộ của quốc gia trong khoa học, công nghệ và kỹ thuật phát minh với những phát minh và sáng chế có tính sáng tạo, thiết thực.
Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của khoảng 2.000 học sinh, sinh viên của gần 140 đội dự thi đến từ 25 quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu trên thế giới như Australia, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…