Hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương: Công cụ cạnh tranh ảnh hưởng

Huỳnh Vũ 31/07/2014 08:45

Kết nối giữa miền Đông Bắc Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á đang trở thành một điểm quan trọng trong chương trình nghị sự đối với cả Mỹ và Ấn Độ. Đây được coi là một công cụ quan trọng của Mỹ trong chiến dịch cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Khurshid Nguồn: Voice of India
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Khurshid    
 Nguồn: Voice of India
Chính phủ Mỹ đã ưu tiên tạo lập một hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, coi đây là một trong những mục tiêu chính tại khu vực, theo đó kết nối Ấn Độ, Nepal, Bangladesh với Myanmar và Thái Lan. Bà Fatema Sumar, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Trung và Nam Á đã nhấn mạnh tại một diễn đàn doanh nghiệp ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ hồi tháng 5 vừa qua rằng, hội nhập kinh tế khu vực này có thể tạo thuận lợi cho thương mại, mang lại các cơ hội kinh tế mới, đồng thời đưa đến sự ổn định và thịnh vượng hơn trên hành lang với các nước đang phát triển như Bangladesh và Myanmar.

Trong khi đó, hành lang kinh tế mới đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế đồng đều của Ấn Độ. Điều đặc biệt cần thiết là phải phát triển cơ sở hạ tầng phía Đông Bắc Ấn Độ, nơi Chính phủ Ấn Độ có phần xao nhãng trước đó. Việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phía Đông Bắc của Ấn Độ và kết nối khu vực tạo ra không gian và phạm vi mới cho hợp tác Mỹ - Ấn. Đây là một lĩnh vực mới của sự liên kết thực sự hướng tới các mục tiêu khu vực.

Chính phủ mới tại Ấn Độ chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và các ngành công nghiệp có liên quan đến nông nghiệp; khai thác các cơ hội do các chương trình nâng cấp hạ tầng và xây dựng nhà ở tạo ra; khuyến khích và trao quyền tự chủ cho thanh niên và trao đổi việc làm tại các trung tâm đào tạo; triệt tiêu tham nhũng thông qua nhận thức của công chúng; phi tập trung hóa lớn hơn thông qua các bang nhỏ hơn; tập trung đặc biệt vào việc cải thiện sự kết nối tại khu vực Đông Bắc; phát triển đồng loạt cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Bắc; hoàn thiện rào chắn dọc biên giới Ấn Độ - Bangladesh và Ấn Độ - Myanmar; trấn áp lực lượng nổi dậy một cách mạnh tay; soạn thảo luật dân sự về sắc phục theo những nét đẹp truyền thống và phù hợp với thời hiện đại.    

Thêm vào đó, trên phương diện đối ngoại chính trị, Bangladesh và Myanmar là cửa ngõ trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Xét về mặt địa lý và chiến lược, Bangladesh có nhiều ưu thế hơn. Giống Ấn Độ, Bangladesh cũng có chiến lược rõ ràng trong chính sách hướng Đông. Cuộc khủng hoảng sắc tộc và làn sóng bạo lực chống người Hồi giáo Bengali tại bang Rakhine (Myanmar) đã làm sứt mẻ quan hệ Bangladesh-Myanmar. Mặc dù vậy, Dhaka vẫn phải hướng Đông để thúc đẩy kinh tế, thương mại, thậm chí đưa lao động tới các nước ASEAN, đặc biệt là Singapore và Malaysia. Điều này tạo cơ hội cho Ấn Độ và Bangladesh hợp tác với nhau.

Trong cuộc vận động tranh cử Hạ viện Ấn Độ vừa qua, ứng cử viên của Đảng Bharatiya Janata (BJP) cho vị trí thủ tướng, ông Narendra Modi - nay đã là Thủ tướng - đã đến thăm vùng Đông Bắc Ấn Độ và đưa ra lời hứa mạnh mẽ sẽ phát triển khu vực này nếu thắng cử. Kết quả là BJP đã giành chiến thắng đa số ghế Hạ viện Ấn Độ với sự đóng góp từ bang lớn nhất của vùng Đông Bắc Ấn Độ là Assam.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước khi tới Ấn Độ dự Đối thoại Kinh tế Ấn - Mỹ lần này đã tuyên bố sẽ trao đổi với giới chức Ấn Độ về khả năng kết nối với các nền kinh tế năng động tại Đông Nam Á thông qua tăng cường quan hệ với Bangladesh và Myanmar. Ấn Độ sẽ là trung tâm của một khu vực thịnh vượng và gắn kết. Điều này có ý nghĩa với cả hai nước xét từ góc độ cạnh tranh ảnh hưởng với đối tác - đối thủ Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, quan hệ Trung - Ấn vấp phải một số yếu tố tiêu cực từ những cạnh tranh và bất đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Chẳng hạn, mặc dù hai nước đều công khai tuyên bố rằng cải thiện quan hệ an ninh là cần thiết và đã triển khai các biện pháp như tăng cường liên lạc giữa quân đội với quân đội, song những vấn đề an ninh truyền thống như vấn đề biên giới đã khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi trở nên căng thẳng hơn. Bên cạnh đó, những vấn đề an ninh phi truyền thống, từ nguy cơ kinh tế, môi trường, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến hạt nhân đến văn hóa… đôi khi cũng làm phức tạp mối quan hệ song phương. Sự cạnh tranh và bất đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc không thể giải quyết trong một sớm, một chiều và hai nước có thể phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai.

Từ lăng kính này, hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương là một công cụ để Mỹ và Ấn Độ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương: Công cụ cạnh tranh ảnh hưởng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO