Hành động để thay đổi

- Thứ Năm, 06/06/2019, 07:58 - Chia sẻ
Hình ảnh những bến thuyền rác dập dềnh trong dòng nước đen ngòm, hay bên cạnh nong cá đang phơi là một bãi rác, những đứa trẻ thả diều trên bãi biển tràn lan rác… trong triển lãm “Hãy cứu biển” (Save Our Seas) ám ảnh người xem. Triển lãm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) đang diễn ra tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, nhân Ngày Môi trường thế giới (5.6) và Ngày Đại dương thế giới (8.6).

Cả bãi biển dài không thấy cát

 “Rác thải nhựa là một trong những thách thức toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các quốc gia từ Chính phủ, doanh nghiệp tới người dân. Vì vậy, hãy nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và được sản xuất tại địa phương. Cùng nhau, tạo ra một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn”.

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen

Lần đầu tiên đi dọc bờ biển bằng xe máy và chụp nhiều ảnh về rác thải nhựa, Nguyễn Việt Hùng bị sốc. Có khi đi hàng kilomet bờ biển chỉ toàn rác, rác khắp nơi. “Cả một bãi biển dài không thấy cát khiến tôi bàng hoàng. Sự thật, thông tin và cảm xúc đã đưa các tác phẩm ảnh đến với tôi tự nhiên như nó vốn có. Tôi hiểu giá trị của từng bức ảnh, vì vậy suốt dọc chiều dài đất nước, qua các cửa sông, bãi biển, tôi sống cùng rác để chụp rác và hôm nay những bức ảnh ấy đã hiện diện nơi này. Dù quá đỗi quen thuộc nhưng nhiều người lại chưa hẳn đã nhận thức được tác hại của nó”.

Chuyến đi chụp rác thải nhựa của Nguyễn Việt Hùng được thực hiện năm 2018, kéo dài một tháng rưỡi, qua 28 tỉnh, thành phố và hơn 100 cửa sông, với tổng cộng gần 7.000km. Các bức ảnh được anh sắp xếp theo từng nội dung, địa điểm và thời gian chụp để người xem có thể hình dung bức tranh tổng thể về thực trạng rác thải nhựa dọc 3.260km bờ biển Việt Nam. Đó là những bãi biển ngập đầy rác nhựa ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, những bến thuyền tại Bạc Liêu đen ngòm vì ô nhiễm. Nhiều bãi rác quá tải trong nhà máy chế biến rác, rác bồi lên thành núi ở Hội An. Có nơi lại thấy rác lấp biển và kênh rạch, tiêu diệt cả những cánh rừng ngập mặn, trở thành “rừng chết” như ở Nam Định…


Triển lãm mong muốn thay đổi nhận thức của mỗi người dân trong cộng động các quốc gia có biển

“Tôi thấy rất nhiều người lớn hồn nhiên đổ rác xuống biển, ngay cạnh tấm biển cấm đổ rác; những bãi biển rác ngập ngụa bủa vây xung quanh đám trẻ hồn nhiên vùng vẫy trong làn nước trộn đầy rác hay thả diều trên bãi rác tại Khánh Hòa; những cụ già nặng bước mưu sinh bằng một nghề mới - nghề nhặt rác - trên các bãi biển đã thành bãi rác…

… Và tôi còn thấy những con đường được gọi tên là “đường cốc nhựa” ở Bình Thuận, đó là những con đường dọc bãi biển chất hàng dài cốc nhựa được thải ra từ những quán nước giải khát cho du khách. Hay những vịnh nước nên thơ khi xưa tại Quảng Ngãi, nay trở thành nghĩa địa của phao xốp và những cánh đồng lúa ngày càng lùi xa nhường chỗ cho rác. Hôm tới Côn Đảo, chú Bảy Long gặp tôi vẫn nở nụ cười lấp lánh, phía sau là bãi rác khổng lồ, như quên đi 12 năm cơ cực sống cùng rác. Hình ảnh chú gây ấn tượng mạnh, để sau đó tôi xóa nhòa ký ức nhọc nhằn sau lưng chú bằng một dải màu đẹp trong tác phẩm của mình”, Nguyễn Việt Hùng kể.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Theo nhà làm phim Nguyễn Văn Vinh, điểm độc đáo của Nguyễn Việt Hùng là không đề cập đến vấn đề rác thải chung chung, mà tập trung vào rác, ở đây là rác thải nhựa, một trong những mối nguy hại lớn mà nhiều người chưa nhận ra. “Rác thải nhựa sống với chúng ta hàng ngày, nó len lỏi trong mọi mặt cuộc sống, thậm chí hiện diện vào tận phòng ngủ. Về mặt hình ảnh, các tác phẩm đã chuyển tải thông điệp rất mạnh và độc đáo. Tôi hy vọng, những bức ảnh không bó buộc trong phòng triển lãm, không chỉ dừng ở hình ảnh rác thải nhựa, mà sâu xa hơn là cuộc sống của mỗi người. Thông điệp đó phải biến thành hành động, để mỗi người nên làm điều gì đó cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Nguyễn Việt Hùng mong muốn các địa phương, các quốc gia cùng vào cuộc, hành động không thể theo phong trào, mà phải thay đổi từ ý thức đến thói quen hàng ngày. Suốt hành trình chụp rác thải nhựa, Nguyễn Việt Hùng luôn tâm niệm: “Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi! Chúng ta nói nhiều nhưng không hành động thì sẽ khó thay đổi điều gì. Hãy từ các nhà trường, các cơ quan, doanh nghiệp, khu công cộng, công viên, nhà hàng… cấm sử dụng đồ nhựa một lần, giảm thiểu rác thải nhựa hàng ngày, hàng giờ từ chính chúng ta mới có thể làm nên thay đổi”.

Với Nguyễn Việt Hùng, hành trình này chưa dừng lại. Anh sẽ đi nhiều hơn nữa, cố gắng để có các tác phẩm chân thực và sống động hơn. “Tôi muốn người xem phải có cảm giác như đang ở chính nơi có rác, nơi tôi đã được sống và trải nghiệm, từ đó hành động để thay đổi”.

Hồng Hà