Hành động để ngăn chặn trước khi quá muộn

Vũ Thủy thực hiện 08/08/2016 08:38

“Việc nhà số 43 Cửa Bắc (quận Ba Đình) bị đổ sập không phải là sự cố đầu tiên xảy ra tại Hà Nội. Chúng ta đã có nhiều bài học rồi, bây giờ đến lúc phải hành động ngay để không còn vụ việc nào tương tự tái diễn”, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam PHẠM SỸ LIÊM nêu ý kiến.

Sẽ còn tái diễn, nếu…

- Lại một ngôi nhà có tuổi đời chừng 40 năm ở số 43, Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội bị sập mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhà hàng xóm sửa chữa xây dựng, ảnh hưởng đến móng ngôi nhà. Theo ông, vấn đề gì đang đặt ra từ sau vụ sập nhà này?

- Đây không phải lần đầu tiên, sự cố sập nhà gây thiệt hại về người và tài sản xảy ra tại Hà Nội. Trước đó, năm 2011, ngôi nhà 5 tầng đang sửa chữa trên phố Huỳnh Thúc Kháng bất ngờ đổ sập hoàn toàn. Mới đây nhất, tháng 9.2015, biệt thự Pháp cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo cũng bất ngờ đổ sập khiến 2 người chết và nhiều người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do nhà cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng hoặc thi công, sửa chữa không bảo đảm kỹ thuật.

Hiện trường sập nhà tại phố Cửa Bắc Ảnh: Lâm Hiển
Hiện trường sập nhà tại phố Cửa Bắc Ảnh: Lâm Hiển

Trên thực tế, tình trạng nhà cũ, nhà cổ xuống cấp ở Hà Nội hiện còn khá nhiều. Những ngôi nhà này có tuổi thọ khác nhau, thậm chí dựa vào nhau để trụ vững. Sống trong những ngôi nhà mà chất lượng đã xuống cấp, nhu cầu cải tạo, sửa chữa của chủ sở hữu là chính đáng. Song, vì việc sửa chữa, xây dựng ở những khu nhà này rất đặc thù, chỉ cần tác động làm thay đổi hiện trạng một ngôi nhà cũng có thể làm cho nhà kế bên bị ảnh hưởng nên đòi hỏi việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu phải hết sức thận trọng, chặt chẽ. Bởi tình trạng cấp phép một đằng, thực hiện một nẻo trong xây dựng không phải là chuyện hiếm. Do đó, nếu Hà Nội không kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng, khó ai có thể bảo đảm không còn vụ việc tương tự tái diễn.

 “Từ năm 2005,  TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về cải tạo xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn. Sau 10 năm, số công trình được cải tạo, xây dựng lại mới chiếm chưa tới 1% tổng số chung cư cũ (14 công trình). Một phần nguyên nhân do chúng ta đặt vấn đề không đúng khi muốn “đẩy” cho doanh nghiệp làm, trong khi doanh nghiệp chỉ làm các công trình có vị trí đẹp, lợi nhuận tốt mới tham gia. Do vậy, không chỉ với chung cư cũ mà ngay với các khu nhà cũ, xuống cấp vẫn cần lấy phương châm ai là chủ sở hữu thì phải tự chăm lo, còn Nhà nước chỉ hướng dẫn, giúp đỡ phần nào”.

- Có nghĩa là, để xảy ra tình trạng nhà sập có một phần nguyên nhân bởi chính quyền vẫn chưa làm tròn vai?

- Thực tế, chúng ta đã có sự phân cấp quản lý. Theo quy định, khi có giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải về nộp bản sao giấy phép đó trình lên phường. Khi khởi công, chính quyền phường phải đến giám sát thực hiện, nhưng rốt cục vẫn có tình trạng người ta làm sai, chỉ đến khi dư luận lên tiếng, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị phát hiện là điều khó chấp nhận. Ngay trong vụ việc vừa qua, mặc dù người dân phản ánh đã cảnh báo chủ nhà số 41 Cửa Bắc rằng sẽ gây mất an toàn cho nhà số 43 kế bên nhưng người ta vẫn thực hiện. Trong trường hợp này, công tác giám sát chưa thực sự hiệu quả, đáng ra người dân cần kịp thời báo cáo lên phường để can thiệp. Còn về phía chính quyền, theo tôi có sự thiếu sâu sát trong công tác quản lý.

Cần coi trọng công tác nghiệm thu

- Thực tế, nhà cổ, cũ ở Hà Nội bị xuống cấp không phải là ít, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho chính người sống trong căn nhà đó. Theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?

- Dĩ nhiên, để tình trạng nhà xuống cấp tất nhiên có trách nhiệm quản lý của Nhà nước nhưng trước tiên, trách nhiệm thuộc về chính chủ sở hữu căn nhà đó. Song việc sửa chữa, cải tạo những ngôi nhà này cũng có cái khó.

- Ông có thể nói rõ hơn?

- Thứ nhất, ở Hà Nội hiện nay có những có ngôi nhà cũ, xuống cấp nhưng có tới 2 – 3 chủ sở hữu, họ không thống nhất được với nhau phương án sửa chữa. Do vậy, Nhà nước cần đóng vai trò trung gian để triệu tập họ lại, bàn bạc để thống nhất với nhau về phương án sửa chữa ngôi nhà, tránh sự cố đáng tiếc. Thứ hai, trong nhiều trường hợp, dù chủ sở hữu rất muốn được sửa chữa nhà nhưng họ lại không có kinh phí. Trong trường hợp này, chính quyền có thể trợ cấp một phần kinh phí cho họ.

- Để cải tạo, sửa chữa các nhà cổ, cũ xuống cấp ở Hà Nội, theo ông, đâu là yếu tố đóng vai trò then chốt?

- Theo tôi, trước tiên, thành phố phải rà soát lại cụ thể xem trên địa bàn còn bao nhiêu nhà cổ, cũ đã xuống cấp. Tiếp đó, phải phân loại được tính cấp bách để xác định cái nào làm trước, cái nào làm sau. Việc cải tạo, sửa chữa cần được làm đồng bộ trong cả khu vực/dãy phố, vì các khối nhà này liền nhau, tường dính vào nhau, thay vì làm riêng lẻ ẩn chứa nguy cơ mất an toàn. Nhà nước chỉ đứng ra phối hợp tổ chức thực hiện, có thể mời đội ngũ chuyên gia, kiến trúc sư… hướng dẫn, còn người dân sống trong những ngôi nhà này phải tự lo về mặt kinh phí cải tạo, sửa chữa. Nếu người dân quá khó khăn thì chính quyền có thể hỗ trợ một phần nào đó, hoặc tạo điều kiện để người ta được vay vốn sửa chữa nhà.

- Bài học nào cần rút ra từ sau vụ việc này, thưa ông?

- Đây không phải là sự cố đầu tiên xảy ra tại Hà Nội. Chúng ta đã có nhiều bài học rồi, bây giờ đến lúc phải hành động ngay để không còn vụ việc nào tương tự tái diễn. Muốn vậy, trước hết, ngành xây dựng cần tổng kết toàn quốc kinh nghiệm về vấn đề cấp giấy phép xây dựng và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này như thế nào cho hiệu quả. Chúng ta phải xem xét lại công tác cấp phép xây dựng, tránh tình trạng cấp phép một đằng, làm một nẻo. Khi cấp phép phải xem nhà đó có vững chắc không, có gây nguy hiểm cho ngôi nhà xung quanh không, khả năng phòng chống cháy nổ thế nào… Sau khi cấp phép thì chính quyền cấp phường phải tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện. Cuối cùng, khâu rất quan trọng là khi công trình hoàn thành, cơ quan quản lý phải nghiệm thu xem có làm đúng như giấy phép không, trong khi chúng ta chưa thực sự coi trọng khâu này, thậm chí chưa xây xong người ta đã vào ở. Trong khi ở nhiều nước, chỉ khi nào có nghiệm thu, cấp phép sử dụng thì mới được sử dụng công trình nhà ở đó. Suy cho cùng, để thực hiện những phần việc trên đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức có liên quan phải thực sự tận tâm, có năng lực để kiểm tra, giám sát thường xuyên và phải công minh, chính trực.

- Xin cảm ơn ông!

 Ngày 7.8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ngày 4.8, tại số nhà 41 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình. Theo Cơ quan Công an, căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu thu thập được, nguyên nhân ban đầu của vụ sập nhà số 43 phố Cửa Bắc được xác định: Ngôi nhà được xây dựng từ lâu, hệ thống móng và tường chịu lực kém, đồng thời chịu ảnh hưởng do tác động của mưa dài ngày từ cơn bão số 1. Đặc biệt, trong quá trình thi công nhà số 41 đã không có những biện pháp thi công bảo đảm an toàn cho các công trình xung quanh, dẫn đến sập đổ nhà số 43 phố Cửa Bắc.

 Hạnh Quỳnh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hành động để ngăn chặn trước khi quá muộn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO