Giáo dục

Hàng trăm nhà khoa học tìm giải pháp lấp khoảng trống pháp lý vì mục tiêu phát triển bền vững

Nhật Hồng 27/05/2025 14:17

Sáng ngày 27/5, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững” do Trường Đại học Thương mại chủ trì, phối hợp cùng Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Chính sách và Phát triển đồng tổ chức đã thu hút hàng trăm nhà khoa học, giảng viên tới tham dự.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các khía cạnh của phát triển bền vững, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và những khoảng trống pháp lý cần được giải quyết.

1a6a9987.jpg
1a6a0049.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững”

Pháp luật là nền tảng kiến tạo môi trường thuận lợi

PGS,TS. Hà Văn Sự, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại cho biết, chủ đề “Pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững” không chỉ là một khẩu hiệu, mà là một mệnh lệnh của thực tiễn. Phát triển bền vững, như chúng ta đã biết, là quá trình kết hợp hài hòa ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo ông Sự, trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 và xa hơn là tầm nhìn đến năm 2045 theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta, vai trò của pháp luật trở nên then chốt hơn bao giờ hết. Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý nhà nước, mà còn là nền tảng kiến tạo môi trường thuận lợi, định hướng các hành vi xã hội, điều chỉnh các quan hệ kinh tế và thúc đẩy sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Một hệ thống pháp luật tiến bộ, minh bạch, hiệu quả và có tính dự báo caochính là đòn bẩy quan trọng để chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững một cách toàn diện.

Hội thảo khoa học quốc gia “Pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững” tạo lập một diễn đàn học thuật uy tín và cởi mở, nơi các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý có thể công bố, chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới, những phát hiện và luận giải sâu sắc về vai trò của pháp luật trong thúc đẩy phát triển bền vững.

1a6a0004.jpg
PGS,TS. Hà Văn Sự, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các khía cạnh của phát triển bền vững, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và những khoảng trống pháp lý cần được giải quyết. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, học hỏi những mô hình và giải pháp pháp lý tiên tiến từ các quốc gia đã thành công trong việc lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào hệ thống pháp luật, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể, khả thi nhằm hoàn thiện chính sách và pháp luật Việt Nam. Tăng cường sự kết nối, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học, các giảng viên, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong cả nước, góp phần hình thành một cộng đồng nghiên cứu mạnh mẽ về pháp luật và phát triển bền vững.

Gần 200 giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia viết bài khoa học

Tại các phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu đã chia sẻ sâu rộng về nhiều lĩnh vực trọng tâm, bao gồm nhưng không giới hạn ở: hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; xây dựng hành lang pháp lý cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; các cơ chế pháp lý đảm bảo công bằng xã hội, an sinh, quyền con người và bình đẳng giới trong quá trình phát triển; nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và hoàn thiện thể chế pháp lý phục vụ phát triển bền vững; cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và các tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).

1a6a0050.jpg
Hội thảo đã thu hút được hơn 150 bài viết các học giả, nhà nghiên cứu trên cả nước

Hội thảo đã thu hút được hơn 150 bài viết các học giả, nhà nghiên cứu trên cả nước. Trải qua quá trình phản biện khoa học độc lập, khách quan và nghiêm túc, 106 bài viết xuất sắc, đạt yêu cầu chất lượng đã được lựa chọn để đăng tải Kỷ yếu. Đây là tập hợp những bài viết khoa học tâm huyết, sâu sắc của gần 200 tác giả là các giảng viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia. Các bài viết không chỉ phân tích thực tiễn áp dụng pháp luật tại Việt Nam mà còn so sánh, đối chiếu với pháp luật quốc tế, từ đó đưa ra những kiến nghị giá trị. Kỷ yếu Hội thảo sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, hoạch định và thực thi chính sách.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe 3 diễn giả chia sẻ các vấn đề chính gồm: GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, GVCC Trường Đại học Luật Hà Nội với chủ đề: “Các điều kiện cần và đủ để pháp luật có khả năng giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững"; TS. Nguyễn Như Hà, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), nguyên Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển với chủ đề: “Phát triển bền vững kinh tế và những vấn đề đặt ra đối với pháp luật đầu tư công”, TS. Nguyễn Thị Tình, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại với chủ đề: “Pháp luật Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hàng trăm nhà khoa học tìm giải pháp lấp khoảng trống pháp lý vì mục tiêu phát triển bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO