Giáo dục

Hàng nghìn sinh viên gian lận bằng AI: Thách thức mới của giáo dục đại học

Hồng Nhung 02/07/2025 16:42

Gần 7.000 sinh viên Anh bị phát hiện sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các bài luận – dù số liệu thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Ngành giáo dục đang đứng trước đòi hỏi phải nhanh chóng thích ứng với một thực tế mới đầy phức tạp.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-01 113332
Hàng nghìn sinh viên đại học tại Anh đã bị phát hiện sử dụng ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo khác sai mục đích trong những năm gần đây. Ảnh: Alamy

Một cuộc điều tra quy mô lớn của tờ The Guardian vừa công bố cho thấy, tình trạng gian lận trong giáo dục đại học tại Vương quốc Anh đang chuyển dịch mạnh mẽ từ đạo văn truyền thống sang hình thức mới: lạm dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT. Trong năm học 2023–2024, đã có gần 7.000 trường hợp gian lận học thuật do sử dụng AI bị phát hiện, tương đương 5,1 sinh viên trên mỗi 1.000 người – tăng gấp ba lần so với năm học trước.

Không chỉ gia tăng về số lượng, hình thức gian lận bằng AI đang trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn bao giờ hết, đặt ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống đánh giá và quản lý học thuật tại các trường đại học.

Từ đạo văn sang AI

Trước khi AI phát triển rộng rãi, đạo văn từng là hình thức gian lận học thuật phổ biến nhất, chiếm gần hai phần ba số vụ vi phạm trong năm học 2019–2020. Đại dịch Covid-19 khiến việc đánh giá học tập chuyển sang trực tuyến, góp phần làm tăng các hành vi sao chép. Tuy nhiên, kể từ khi các công cụ AI sinh ngữ như ChatGPT ra đời và trở nên dễ tiếp cận, các con số thống kê cho thấy rõ một sự dịch chuyển.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-01 113050
Biểu đồ của The Guardian cho thấy: trong khi tỉ lệ đạo văn (cột màu xanh lam) giảm, hành vi sai trái trong học tập liên quan đến AI (cột màu đỏ) đang gia tăng.

Trong khi số vụ đạo văn truyền thống đang giảm – từ 19 xuống 15,2 trường hợp trên 1.000 sinh viên, và dự báo sẽ tiếp tục giảm còn khoảng 8,5 – thì tình trạng gian lận bằng AI lại gia tăng chóng mặt. Đây không chỉ là sự thay đổi về công cụ, mà là sự thay đổi về bản chất hành vi, theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục.

Gian lận bằng AI: Khó phát hiện, dễ che giấu

Thực tế, các công cụ phát hiện AI hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu tại Đại học Reading cho thấy các bài viết do AI tạo ra có thể vượt qua hệ thống kiểm tra của trường tới 94% trường hợp.

Theo Tiến sĩ Peter Scarfe, đồng tác giả nghiên cứu, việc phát hiện gian lận bằng AI không đơn giản như đối với đạo văn. “Khi bạn nghi ngờ sinh viên dùng AI, rất khó để chứng minh, bởi bạn không thể đối chiếu văn bản như với đạo văn truyền thống. Các phần mềm phát hiện AI chỉ cung cấp xác suất, chứ không đưa ra bằng chứng cụ thể”.

Sự phát triển của các công cụ “biến đổi” văn bản AI để qua mặt hệ thống kiểm tra càng khiến tình hình thêm phức tạp. Trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, ngày càng xuất hiện nhiều nội dung hướng dẫn sinh viên cách sử dụng AI để viết bài, diễn đạt lại và “nhân hóa” nội dung do máy tạo ra, khiến việc kiểm tra trở nên gần như bất khả thi.

Sinh viên không phủ nhận, nhưng cần cái nhìn đa chiều

Dù bị xem là hành vi gian lận, nhưng không ít sinh viên cho biết họ dùng AI như một công cụ hỗ trợ học tập. Một sinh viên năm cuối ngành Quản trị Kinh doanh thẳng thắn chia sẻ: “Tôi dùng ChatGPT để lên ý tưởng và xây dựng cấu trúc bài viết, nhưng sau đó vẫn viết lại bằng cách riêng của mình. Tôi nghĩ phần lớn sinh viên dùng AI theo cách này, chứ không sao chép hoàn toàn”.

Một sinh viên khác, hiện học năm nhất ngành Kinh doanh Âm nhạc, cho biết AI thực sự hữu ích: “Bạn tôi dùng AI để sắp xếp các ý tưởng của chính mình, chứ không phải viết hộ bài. Với bạn ấy, AI giống như một công cụ trợ giúp học tập hơn là phương tiện gian lận”.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-01 114028
Nhiều sinh viên sử dụng ChatGPT như một công cụ để lên ý tưởng và xây dựng cấu trúc bài viết.

Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn cho ngành giáo dục: liệu có nên nhìn nhận lại vai trò của AI trong học tập, đặc biệt trong việc hỗ trợ các nhóm sinh viên yếu thế?

Ngành giáo dục cần làm gì?

Nhiều công ty công nghệ đang coi sinh viên là nhóm người dùng mục tiêu. Google hiện cung cấp miễn phí bản nâng cấp Gemini trong 15 tháng cho sinh viên đại học, còn OpenAI cũng có chính sách giảm giá cho sinh viên tại Mỹ và Canada.

Các chuyên gia cho rằng thay vì chỉ tập trung kiểm soát, ngành giáo dục cần sớm thích ứng với thực tế rằng AI sẽ trở thành một phần tất yếu trong học tập. Tiến sĩ Thomas Lancaster tại Đại học Imperial College London cho rằng, cần tập trung phát triển cho sinh viên các kỹ năng mà AI không thể thay thế, như giao tiếp, tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng tương tác với công nghệ.

“Chúng ta cần thay đổi tư duy trong thiết kế đánh giá học tập, giúp sinh viên hiểu rõ mục tiêu của từng bài tập và tham gia nhiều hơn vào quá trình học. Việc tăng cường thi cử không hẳn là giải pháp, vì giá trị của việc học thuộc lòng đang giảm dần. Chúng ta nên tập trung phát triển năng lực thực sự”, ông Lancaster nhấn mạnh.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-01 114825
Ngành giáo dục cần sớm thích ứng với thực tế rằng AI sẽ trở thành một phần tất yếu trong học tập.

Về phía chính phủ, người phát ngôn Bộ Giáo dục Anh cho biết nước này đang đầu tư hơn 187 triệu bảng vào các chương trình nâng cao kỹ năng quốc gia, đồng thời ban hành hướng dẫn về việc tích hợp AI vào giảng dạy và học tập. “AI sáng tạo mang lại tiềm năng lớn cho giáo dục, nhưng cũng đòi hỏi sự thận trọng trong triển khai. Các trường đại học cần vừa khai thác được lợi ích, vừa kiểm soát được rủi ro để chuẩn bị tốt nhất cho sinh viên bước vào thị trường lao động tương lai”.

Sự xuất hiện của AI trong giáo dục không chỉ đặt ra thách thức về quản lý mà còn là cơ hội để ngành giáo dục định hình lại phương pháp giảng dạy, đánh giá và phát triển kỹ năng cho sinh viên trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay.

Theo The Guardian
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Hàng nghìn sinh viên gian lận bằng AI: Thách thức mới của giáo dục đại học
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO