Trước chương trình gặp gỡ lần đầu tiên của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với giáo viên cả nước vào ngày mai, Báo Đại biểu Nhân dân tập hợp một số tâm tư, mong mỏi của các thầy cô giáo, cán bộ giáo dục đang công tác tại các cấp học, khu vực khác nhau trên cả nước muốn gửi gắm tới Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Kỳ vọng tháo gỡ khó khăn liên quan đến thiếu giáo viên, “chảy máu chất xám”
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, cô Nguyễn Thị Thuần, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội kỳ vọng, tại buổi "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" sẽ tháo gỡ khó khăn về hai vấn đề.
Thứ nhất là việc thiếu giáo viên giảng dạy. Theo cô Thuần, không những Trường THCS Cổ Loa, đây còn là tình trạng chung của rất nhiều trường.
Mặc dù năm học trước đã có giáo viên được thi biên chế, nhưng số lượng đã đỗ biên chế vừa rồi chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nhà trường. Cô Thuần cho biết, năm học 2022-2023 trường THCS Cổ Loa chỉ được giao 1 chỉ tiêu biên chế cho giáo viên dạy Tin học, trong khi đó nhà trường còn thiếu nhiều môn khác. Đặc biệt, với những trường nâng lên chuẩn quốc gia cấp độ 2, giới hạn sĩ số học sinh không vượt quá 40 em một lớp nên càng thiếu giáo viên trầm trọng.
Vấn đề thứ hai cô Thuần mong Bộ GD-ĐT xem xét là làm sao để giữ chân nhân tài, không để “chảy máu chất xám” trong giáo dục. Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Loa cho rằng, cần có nhiều hơn nữa cơ chế khuyến khích nhân tài, đặc biệt là các giáo viên dạy giỏi và sinh viên giỏi ra trường. Cần làm sao để sinh viên giỏi, xuất sắc ra trường được tuyển thẳng, hoặc đãi ngộ tốt để giữ chân nhóm tinh hoa này.
“Ở một số tỉnh và ngay tại Hà Nội, có một số trường cấp 3 đã có nhiều cách làm để nâng cao đời sống cho giáo viên tuy nhiên cần ưu tiên hơn nữa bởi có giáo viên tâm huyết mới có học trò giỏi, cô Thuần chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo cô Thuần, hiện nay, việc một giáo viên hợp đồng thực hiện hết số tiết dạy cũng vô cùng khó khăn. Dù Sở GD-ĐT Hà Nội đã có chỉ tiêu cho giáo viên hợp đồng để các nhà trường không phải lo cho việc trả lương, nhưng nhiều thầy cô ra mới ra trường thấy lương còn thấp, nên phân tâm đi làm việc khác kiếm thêm thu nhập.
Có một số giáo viên trẻ đã được đăng ký thi viên chức rồi nhưng bỏ thi, rất lãng phí nhân tài. Nếu nói lương giáo viên khởi điểm ra trường không bằng lương một học sinh học hết lớp 12 đi làm công nhân trong khu công nghiệp cũng không sai. Bởi lương công nhân có thể gấp 2-3 lần lương giáo viên khởi điểm.
Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Loa mong muốn Bộ trưởng sẽ lắng nghe và giải đáp những vấn đề còn gây khó khăn, cản trở giáo viên thực hiện tốt công tác giảng dạy.
Cô giáo Đình Thị Thuỷ, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường liên cấp Tiểu Học, THCS và THPT Phenikaa thì nêu ý kiến về việc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã vận hành được 3 năm, các công văn, thông tư, các văn bản hướng dẫn có đề cập về chuẩn đầu ra, Bộ GD-ĐT cũng đã chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, tính hệ thống, rõ ràng trong việc định hướng hoạt động kiểm tra, đánh chất lượng học sinh ở các kỳ thi (tốt nghiệp THPT, học sinh giỏi…) chưa có chỉ dẫn cụ thể.
Cô Thuỷ bày tỏ mong muốn, Bộ GD-ĐT sớm có kế hoạch triển khai (cấu trúc đề kiểm tra các bộ môn) để giáo viên, phụ huynh, học sinh có sự chủ động hơn trong việc dạy và học.
Nghị định 76 còn những bất cập cần điều chỉnh
Cô Đoàn Thị Thanh Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tà Mung, Than Uyên, Lai Châu chia sẻ, hiện nay cán bộ quản lý giáo viên nhân viên công tác tại vùng núi, vùng sâu vùng xa vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đang được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP. Đây là một chính sách nhân văn, động viên các thầy cô giáo vùng cao lên lớp, bám bản.
Tuy nhiên, chính sách vẫn còn những bất cập, cần điều chỉnh.
Thứ nhất, cần có thêm quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên (kéo dài phụ cấp thu hút) và có thêm quy định chế độ chính sách đối với đối tượng khác như: văn thư, kế toán, thư viện, bảo vệ, nhân viên nấu ăn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, giúp họ có thêm thu nhập, các nhà trường có thể dễ dàng tuyển dụng được đối tượng này.
Cùng với đó, Điều 13 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để làm căn cứ tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp. Tuy nhiên, theo quy định này thì cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học nghỉ thai sản không được hưởng các chế độ ngoài chế độ bảo hiểm. Không có chế độ này, giáo viên thực sự gặp nhiều khó khăn về kinh tế trong giai đoạn chăm con nhỏ.
Một vấn đề khác là tại Điều 9 Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số thì những giáo viên dạy tại các điểm trường lẻ mới được hưởng chế độ, giáo viên dạy tại điểm trường trung tâm không được hưởng chế độ này, trong khi nhiều điểm trường trung tâm cũng thuộc vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Cô Phúc bày tỏ mong mỏi, giáo viên mầm non đa số là giáo viên nữ, thời gian làm việc trong ngày rất dài, ngoài chăm sóc, nuôi dạy trẻ còn kiêm nhiều công việc khác ở trường nên rất mong có cơ chế chính sách, ưu tiên giáo dục mầm non được xếp vào nhóm ngành lao động nặng nhọc.
Từ đó, giảm số tuổi được nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non nói chung và giáo viên công tác tại miền núi vùng sâu vùng xa xuống 50 tuổi.
Cải cách tiền lương cho thầy cô giáo là vấn đề “cấp bách”
Một cán bộ ngành giáo dục đang công tác tại Trường Đại học Ngoại thương bày tỏ quan điểm, một vấn đề rất lớn, hết sức cấp bách hiện nay là cần cải cách tiền lương cho ngành giáo dục, cho các thầy cô giáo.
Theo vị cán bộ, từ ngày 1.7.2023, mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức đã tăng từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Đây được xem là giải pháp “tình thế, trước mắt” để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, về lâu dài, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Nội vụ, trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.
“Hiện nay vẫn chưa có phương án để cải cách tiền lương cho thầy cô ở tất cả các cấp. Điều này lẽ ra phải làm rồi, nhưng chưa làm được. Đây là điều tôi rất mong mỏi Bộ GD-ĐT có phương án, vì nếu tiền lương không được cải cách để tạo động lực hơn nữa cho đội ngũ thì sẽ tạo ra khó khăn cho nhà trường, cho đội ngũ nhà giáo nói chung”, vị cán bộ nói.
Vấn đề thứ hai mà vị cán bộ mong được Bộ GD-ĐT xem xét là nộp thuế sử dụng đất liên quan đến các trường tự chủ. Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể để kê khai và nộp thuế đất cho các trường công lập thực hiện tự chủ.
“Đề nghị Bộ GD-ĐT làm việc với các bộ ngành có liên quan để xem xét lại việc nộp thuế đất ở các trường công, nếu có thì phải có hướng dẫn một cách rất cụ thể chi tiết để giúp cho các trường thực hiện việc này”, vị cán bộ nói.
ThS Ngô Thế Nghị, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, việc tạo điều kiện để giảng viên các trường đại học, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ để có động lực làm việc, đang còn nhiều vấn đề bất cập, khó khăn.
Thứ nhất, thu nhập của đội ngũ giảng viên thấp nhưng áp lực của yêu cầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày một cao.
Thứ hai, một số giảng viên ở các trường còn khó khăn về đời sống vật chất không tâm huyết với nghề, phải bỏ nghề, tìm việc làm khác do gánh nặng tài chính, kinh tế của gia đình không phải hiếm.
Thứ ba, có nhiều hoạt động giáo dục lồng ghép, thanh tra, kiểm tra, dạy chuyên đề, tập huấn, các cuộc thi, kiêm nhiệm các công việc khác trong trường khiến giáo viên cảm thấy áp lực, quá tải, mệt mỏi…
Những biểu hiện này đã tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm, hạn chế sức cống hiến, sự sáng tạo của đội ngũ giảng viên làm cho chất lượng, hiệu quả trong giáo dục, đào tạo chưa tương xứng với vai trò của họ.
Thứ tư, thiếu cơ chế, chế độ khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn.
Ông Nghị mong muốn, bên cạnh vấn đề tạo điều kiện phát huy năng lực giảng dạy của giáo viên, Nhà nước cần có chính sách để khích lệ, tạo động lực lao động cho đội ngũ các nhà giáo. Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển, qua đó làm cơ sở để phát huy được đội ngũ giảng viên.
Bên cạnh đó, việc tuyển chọn nguồn đào tạo giảng viên phải được tiến hành toàn diện, kỹ lưỡng cả về xu hướng nghề nghiệp sư phạm, khả năng phát triển tài năng sư phạm, phong cách và hành vi sư phạm.
“Bảm bảo điều kiện vật chất, tinh thần thuận lợi cho giảng viên. Đây thực sự là động lực thúc đẩy đội ngũ giảng viên tập trung trí lực vào các hoạt động chuyên môn của mình”, ThS Ngô Thế Nghị chia sẻ.