Vượt qua cuộc luận tội
Các đại diện của Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền đã rời khỏi hội trường Quốc hội ngay trước cuộc bỏ phiếu luận tội ngày 7.12 khiến cho phe đối lập không thể hội tụ đủ 200 phiếu bầu tối thiểu để lật đổ Tổng thống Yoon Suk Yeol. Hành động này cũng chấm dứt suy đoán trước đó, rằng các thành viên trong đảng PPP có thể quay lưng lại với Tổng thống Yoon vì quyết định gây sốc của ông khi ban bố thiết quân luật kéo dài 6 tiếng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 3.12, ông Yoon giải thích việc áp đặt thiết quân luật để đàn áp "các lực lượng ủng hộ Triều Tiên và chống chính phủ". Sau đó, trên cơ sở sắc lệnh đặc biệt này, ông cấm mọi hoạt động của Quốc hội, triển khai quân đội vũ trang để bắt giữ các chính trị gia đối lập chủ chốt và giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp.
Tuy nhiên, bất chấp sắc lệnh này và bằng nhiều cách, các nhà lập pháp đã triệu tập để bỏ phiếu bác bỏ lệnh thiết quân luật. Sáu đảng đối lập sau đó đã đệ trình một động thái luận tội tổng thống, gọi sắc lệnh này là một nỗ lực đảo chính bất hợp pháp.
Ban đầu, đảng PPP đã tuyên bố sẽ phản đối việc luận tội, mặc dù ít nhất hai nhà lập pháp của đảng cho biết sẽ bỏ phiếu chống lại tổng thống. Tuy nhiên, trong một phát biểu bất ngờ ngày 6.12, Chủ tịch đảng PPP cho biết, đảng này có thể ủng hộ quyết định luận tội.
Bài phát biểu toàn quốc bất ngờ thứ hai của Tổng thống Yoon, được đưa ra vài giờ trước cuộc bỏ phiếu luận tội ngày 7.12 dường như đã củng cố các thành viên cấp cơ sở của đảng. Trong một bài phát biểu ngắn, ông Yoon cho biết “đã vô cùng hối tiếc và gửi lời xin lỗi tất cả người dân Hàn Quốc”. “Tôi sẽ giao phó cho đảng của tôi quyết định phần còn lại của nhiệm kỳ cũng như tất cả các phương pháp để ổn định đất nước. Trong tương lai, đảng của chúng ta và chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cùng nhau tiến lên”, ông Yoon nói thêm, ngụ ý rằng ông sẽ giao một số nhiệm vụ Tổng thống của mình cho đảng.
Ngay sau bài phát biểu của ông Yoon, Chủ tịch đảng cầm quyền Han Dong-hoon đã có cuộc họp với Thủ tướng Han Duck-soo, tại đó họ dự kiến sẽ phác thảo cách thức chính phủ sẽ hoạt động sau cuộc bỏ phiếu.
Đảng cầm quyền giải thích, họ đã không ủng hộ cuộc bỏ phiếu luận vì lo ngại điều này sẽ "làm tê liệt hoạt động của chính phủ và vô hiệu hóa một chính phủ hợp hiến". Thay vào đó, họ đưa ra các biện pháp khác để buộc cá nhân tổng thống phải chịu trách nhiệm về sắc lệnh thiết quân luật của mình, bao gồm cả một sửa đổi hiến pháp có thể nhằm rút ngắn nhiệm kỳ của tổng thống.
Dự kiến, vai trò của Thủ tướng Han Dong-hoon trong chính phủ sẽ được củng cố lên đáng kể. Trong một thông cáo báo chí, ông Han Dong-hoon cho biết ông sẽ làm hết sức mình với tư cách là thủ tướng để đảm bảo rằng "tình hình bế tắc hiện này sớm được giải quyết và cuộc sống của người dân ổn định trở lại".
Lãnh đạo đảng cầm quyền Han Dong-hoon cũng cho biết: “Tôi sẽ làm việc với thủ tướng để chăm lo phúc lợi công cộng”. Theo hiến pháp của đất nước, vai trò của thủ tướng là hỗ trợ tổng thống và chỉ đạo các bộ theo lệnh của tổng thống.
Nhà khoa học chính trị Ahn Byong-jin, đến từ Trường Đại học Kyung Hee, phân tích với The Straits Times rằng quyết định này giúp đảng cầm quyền có thêm thời gian để xây dựng chiến lược cho các bước tiếp theo, đồng thời ngăn chặn một cuộc bầu cử tổng thống bất ngờ mà có khả năng đưa lãnh đạo đối lập Lee Jae-myung giành chiến thắng.
Cuộc khủng hoảng chưa tới hồi kết
Quyết định của đảng PPP đã gây ra làn sóng chỉ trích từ phe đối lập và những người biểu tình. Sau khi các nhà lập pháp của đảng cầm quyền rời khỏi phòng họp, những người biểu tình giận dữ đã bao vây Quốc hội rộng 1,4 km2. Một số người biểu tình đã xông vào văn phòng chính của Đảng Quyền lực nhân dân và đụng độ với lực lượng thực thi pháp luật địa phương.
Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất của Hàn Quốc, gọi hành động của PPP là “phản bội và vi hiến"; đồng thời tuyên bố sẽ thúc đẩy kiến nghị thái luận tội một lần nữa vào ngày 11.12. Trong một cuộc họp báo, ông Lee xác nhận đảng của ông sẽ "liên tục đưa ra động thái luận tội mỗi tuần" với hy vọng đảng cầm quyền sẽ cảm thấy áp lực hơn mỗi lần bỏ phiếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng việc phe đối lập liên tục trình kiến nghị luận tội sẽ càng làm phân cực thêm xã hội vốn đã chia rẽ sâu sắc của Hàn Quốc.
Trong một cuộc hội thảo về chính trị nội bộ, Giáo sư khoa học chính trị Ahn Doo-hwan của Đại học Quốc gia Seoul nhận định rằng: "Quá trình luận tội có thể đẩy xã hội Hàn Quốc vào tình trạng phân cực hơn nữa. Một giáo sư khác của SNU, Kang Won-taek, cho biết: “Tổng thống Yoon không còn đủ khả năng lãnh đạo chính phủ nữa”.
Cả 7 chuyên gia chính trị tham gia hội thảo đều đồng ý rằng thiết quân luật của Tổng thống Yoon là bất hợp pháp và vi hiến, nhưng họ đều bi quan về cách Hàn Quốc có thể nhanh chóng ổn định trở lại sau cuộc khủng hoảng chính trị này.
Trong khi một diễn biến mới nhất, các nhà điều tra Hàn Quốc ngày 9.12 cho biết sẽ xem xét lệnh cấm đi lại với Tổng thống Yoon Suk-yeol để điều tra các cáo buộc liên quan đến thiết quân luật. Họ cũng cũng không loại trừ khả năng thẩm vấn Tổng thống Yoon trực tiếp. Trước đó, các công tố viên Hàn Quốc ngày 8.12 cho biết đang điều tra các cáo buộc phản quốc và lạm quyền nhằm vào Tổng thống Yoon Suk-yeol, đồng nghĩa ông Yoon chính thức trở thành nghi phạm.
Những diễn biến này khiến cho thấy, dù Tổng thống Yoon có vượt qua được cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, ông cũng khó lòng vượt qua những sức ép pháp lý và từ đường phố Hàn Quốc trong bối cảnh đường phố Seoul sẽ tràn ngập người biểu tình và cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc vẫn tiếp diễn.