Hàn Quốc lâm vào “khủng hoảng phức hợp”?
Hàn Quốc đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng. Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng vụ bê bối chính trị vốn làm rúng động chính trường Hàn Quốc liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil của Tổng thống Park Geun-hye vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ tuân thủ quyết định của Quốc hội và sẵn sàng rời bỏ chức vụ.
Sức ép gia tăng
Trước sức ép yêu cầu từ chức ngày càng lên cao, trong bài phát biểu lần thứ ba trước người dân ngày 29.11, Tổng thống Park Geun-hye đã tuyên bố rõ: “Tôi sẽ để Quốc hội quyết định về sự ra đi của tôi, kể cả khả năng rút ngắn nhiệm kỳ”. Bà cũng nhấn mạnh sẽ từ chức một khi các nghị sĩ đưa ra biện pháp chuyển giao quyền lực phù hợp để giảm thiểu tình trạng lộn xộn và khoảng trống quyền lực. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc còn đưa ra lời xin lỗi vì đã không làm dịu được sự tức giận và nỗi thất vọng của công chúng.
![]() Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cúi đầu xin lỗi người dân sau vụ bê bối liên quan đến bạn thân |
Kể từ sau vụ bê bối chính trị bắt đầu bùng nổ vào tháng 10, bà Park Geun-hye đã hai lần công khai xin lỗi người dân. Đây là động thái mới nhất cho thấy nhà lãnh đạo này đã sẵn sàng từ bỏ quyền lực. Bởi trước đó, chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy bà sẽ rời bỏ vị trí Tổng thống, bất chấp hàng loạt các cuộc biểu tình yêu cầu bà phải từ chức. Các nhà phân tích cho rằng, quyết định từ bỏ quyền lực được đưa ra trong bối cảnh những đồng minh thân cận đã đề nghị bà chủ Nhà Xanh từ chức trong danh dự, thay vì sẽ bị buộc phải ra đi bằng quá trình luận tội. Các đảng đối lập đang soạn thảo một đề nghị luận tội bà và dự kiến sẽ đưa ra Quốc hội biểu quyết trong ngày 2.12.
Tổng thống Park hiện đứng trước nguy cơ bị truy tố vì được cho là có “vai trò đáng kể” trong vụ bê bối của bà bạn Choi Soon-sil. Tuy không giữ một chức vụ nào trong chính quyền đương nhiệm nhưng bà Choi đã bị bắt giữ vì tội lạm dụng quyền lực và âm mưu gian lận, đồng thời bị cáo buộc can thiệp vào các công việc quan trọng của nhà nước cũng như sử dụng quan hệ với Tổng thống nhằm trục lợi. Trước đó, bà Park tiến hành cải tổ nội các, sa thải 8 phụ tá và đề cử một Thủ tướng mới nhằm lấy lại niềm tin của dân chúng. Tuy nhiên, trong 5 tuần liên tiếp, người dân Hàn Quốc đã xuống đường tuần hành tại Thủ đô Seoul, kêu gọi Tổng thống Park từ chức hoặc bị luận tội.
Khoảng trống quyền lực
Theo các nhà phân tích, chưa thể biết chắc Tổng thống Park liên quan đến đâu trong vụ bê bối trên cho đến khi kết thúc cuộc điều tra. Nhưng hiện nay, thất bại lớn nhất của bà là mất lòng dân. Theo cuộc khảo sát mới nhất của Realmeter, 80% số người được hỏi ủng hộ luận tội Tổng thống và muốn bà chủ Nhà Xanh từ chức. Tỷ lệ ủng hộ nữ lãnh đạo hiện đã ở mức thấp kỷ lục là 4%.
Không những thế, những bê bối chính trị còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc. Các nhà kinh tế lo ngại rằng, khó khăn ngày càng tăng nếu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thực hiện các chính sách bảo hộ mậu dịch. Hàn Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 2,8% nhưng giờ đây mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn. Xuất khẩu của Hàn Quốc, động lực chính của nền kinh tế đã có mức tăng trưởng âm trong hơn 20 tháng qua.
Hàn Quốc đang đứng trước cái mà các chuyên gia gọi là “cuộc khủng hoảng phức hợp”. Vào thời điểm tăng trưởng kinh tế loạng choạng, căng thẳng địa chính trị dâng cao và một loạt vấn đề liên quan đến các tập đoàn lớn, Hàn Quốc rơi vào tình trạng gần như không có người lãnh đạo và trở nên khá hỗn loạn. Hiện ngày càng nhiều người cho rằng nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đã mất đi quyền lãnh đạo và thiếu sức ảnh hưởng hay thuyết phục để chỉ đạo giới tài phiệt “chaebol” và tiến hành các cải cách mà bà hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2012.
Theo Giáo sư Hans Schattle của trường Đại học Yonsei, cuộc khủng hoảng chính trị ở Seoul đã tạo ra khoảng trống lãnh đạo mà có thể hủy hoại các tham vọng quốc tế của Hàn Quốc. “Vấn đề nghiêm trọng hơn trong vụ bê bối quốc gia này là liệu bà Park có thể đại diện cho đất nước hay không? Liệu bà có thể là tiếng nói hay đại diện cho Hàn Quốc? Nếu bà mất đi tính hợp pháp trong nước, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề quốc tế”, ông nói.