Hàn Quốc: Hệ thống Hội đồng - Thị trưởng
Cơ cấu hành chính của chính quyền địa phương thường gồm ba cấp: Thành phố thủ phủ Seoul, tỉnh thành thủ phủ; Thành phố, hạt, quận tự trị; Eup, Myon và Dong. Bên cạnh những cấp này thì các đơn vị hành chính với dân số hơn nửa triệu dân thường sẽ có 4 cấp. Hiện nay, Hàn Quốc có 6 thành phố thủ phủ và 1 thành phố là Thủ đô Seoul; 9 tỉnh trực thuộc chính quyền trung ương; 69 quận tự trị trong đó có 25 quận trực thuộc thành phố thủ phủ Seoul và 44 quận thuộc các thành phố thủ phủ khác; 91 hạt, trong đó có 4 hạt trực thuộc các thành phố thủ phủ và 86 hạt thuộc các tỉnh; 71 thành phố trực thuộc tỉnh.
Chính quyền địa phương Hàn Quốc tổ chức theo hệ thống Hội đồng - Thị trưởng. Hội đồng địa phương là người đại diện cho quyền lợi dân chúng ở địa phương. Số lượng Ủy viên Hội đồng địa phương thường có 11 người, với 10/11 ủy viên được bầu bằng bỏ phiếu phổ thông, ủy viên còn lại được bầu theo hệ thống thành phần đại diện (tức các đảng chính trị có thể đề cử ứng viên tranh chức ủy viên này).
Nhiệm vụ của Hội đồng địa phương là: Xem xét hoạt động của cơ quan hành pháp địa phương; thông qua các văn bản địa phương; quyết định những chính sách quan trọng của chính quyền địa phương như: ngân sách địa phương, đánh thuế người tiêu dùng, thu các loại thuế dịch vụ để tăng cường phúc lợi ở địa phương; thành lập và quản lý các loại quỹ; nhận khiếu nại của người dân ở địa phương; quản lý, phát triển công nghiệp, môi trường, giáo dục, nghệ thuật, văn hóa…
![]() Một góc Quận Kangnam, Hàn Quốc |
Tài chính của chính quyền địa phương Hàn Quốc chủ yếu gồm hai nguồn thu: thuế địa phương và nguồn thu ngoài thuế. Các nguồn thu khác bao gồm: thuế chia sẻ địa phương (local shared tax), thuế chuyển khoản địa phương (locatransfer tax) và trợ cấp (Sohn). Nguồn tài chính của địa phương thường dùng chi trả cho các dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Mặc dù có những nguồn thu riêng nhưng nguồn thuế của địa phương thường đạt tỷ lệ thấp và phần nhiều phụ thuộc vào trợ cấp của Chính phủ.
Giám sát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương Hàn Quốc thể hiện ở 3 vấn đề cơ bản: luật pháp, tư pháp và hành chính. Chính quyền địa phương không có quyền bổ sung, thay đổi các đạo luật; các văn bản ban hành tại địa phương không được trái các đạo luật hiện hành. Tòa án tối cao có thể ra quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định của tòa án địa phương có tính chất vượt quyền; hoặc khi một nghị quyết của Hội đồng địa phương vi phạm pháp luật, hay nội dung của nghị quyết có hại đáng kể cho lợi ích công cộng thì Bộ trưởng Hành chính và Bộ Nội vụ có thể buộc người đứng đầu địa phương cấp cao hơn ra yêu cầu xem xét lại nội dung nghị quyết đó. Chính quyền địa phương phải tuân thủ các quyết định, chỉ đạo của chính quyền cấp trên thông qua các biện pháp cưỡng chế về hành chính như: chỉ thị, thanh tra, kiểm soát cá nhân, chỉ định… Ngoài ra, chính quyền trung ương còn là nơi giải quyết các xung đột, mâu thuẫn về lợi ích giữa các chính quyền địa phương.