Động thái phá dỡ các tuyến đường liên Triều
Quân đội Hàn Quốc hôm 14.10 cho biết, họ đang quan sát nhiều hoạt động khác nhau ở Triều Tiên và nhận thấy rằng, quân đội nước này dường như đang tiến hành các động thái cho phá nổ các con đường dọc tuyến Gyeongui và Donghae. “Họ đã lắp đặt màn chắn trên đường, chuẩn bị cho nổ tung các con đường”, Lee Sung Joon, người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC), phát biểu trong một cuộc họp báo. Ông cho biết việc phá dỡ có thể được thực hiện trong ngày 14.10.
JCS xác nhận đang theo dõi chặt chẽ hoạt động đang diễn ra ở phía Bắc Đường phân định quân sự (MDL) đồng thời xem xét các biện pháp đảm bảo an toàn cho binh sĩ và người dân Hàn Quốc.
Ngoài ra, ông Lee cho biết quân đội Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên cũng có thể đang chuẩn bị phóng thử tên lửa vũ trụ, được Liên Hợp Quốc xếp vào danh mục các cuộc thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa bị cấm.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn thạo tin tiết lộ rằng, vào tháng 3, quân đội Hàn Quốc đã phát hiện Triều Tiên dỡ bỏ hàng chục đèn dọc theo con đường Gyeongui - con đường nối thành phố biên giới Paju của Hàn Quốc với thị trấn vùng biên Kaesong của Triều Tiên, cũng như đường Donghae dọc theo bờ biển phía Đông.
Trước đó, vào ngày 9.10, Triều Tiên tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn biên giới với Hàn Quốc và xây dựng các cấu trúc phòng thủ tiền tuyến để đối phó với “những động thái thù địch” của lực lượng Hàn Quốc và Hoa Kỳ, ám chỉ các cuộc tập trận quân sự phối hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ, cũng như việc triển khai tạm thời các khí tài quân sự hùng mạnh của Mỹ tại Hàn Quốc.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã xây dựng thêm hàng rào chống tăng, đặt mìn và gia cố đường sá ở phía biên giới của mình kể từ đầu năm nay, có thể là nhằm tăng cường thế trận an ninh tuyến đầu.
Hai con đường Gyeongui và Donghae được xây dựng trong thời kỳ hòa giải giữa hai miền Triều Tiên vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, trong những năm gần đây chúng không còn hoạt động do mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Đường Gyeongui được sử dụng lần gần đây nhất là khi quan chức Hàn Quốc rút khỏi văn phòng liên lạc chung ở Kaesong vào năm 2020 do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, đường Donghae vẫn chưa được sử dụng kể từ hội nghị thượng đỉnh năm 2019 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Diễn biến căng thẳng
Diễn biến này được ghi nhận trong bối cảnh Triều Tiên gần đây cáo buộc Hàn Quốc trong tháng này đã 3 lần phóng máy bay không người lái để thả tờ rơi tuyên truyền chống phá xuống Bình Nhưỡng và đe dọa sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu Hàn Quốc lặp lại hoạt động này. Hàn Quốc đã từ chối xác nhận liệu họ có gửi máy bay không người lái hay không nhưng cảnh báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc Triều Tiên nếu sự an toàn của công dân nước này bị đe dọa.
Hôm 14.10, ông Koo Byoungsam, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng, cáo buộc của Triều Tiên về các chuyến bay không người lái của Hàn Quốc có thể nhằm mục đích tạo ra căng thẳng, phục vụ mục đích của họ.
Một số nhà quan sát cho rằng các nhà hoạt động chống Bình Nhưỡng ở Hàn Quốc có thể đã gửi máy bay không người lái vào tháng này, nhưng Triều Tiên cho rằng chính phủ Hàn Quốc không thể không chịu trách nhiệm vì họ hẳn phải bật đèn xanh cho những động thái như vậy.
Năm 2022, Hàn Quốc đã điều máy bay không người lái giám sát qua biên giới vào Triều Tiên sau khi cáo buộc Triều Tiên điều khiển máy bay không người lái vào Hàn Quốc lần đầu tiên sau 5 năm.
Triều Tiên từ bỏ mục tiêu thống nhất
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, với việc Triều Tiên tiếp tục tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa trong khi Hàn Quốc và Hoa Kỳ mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung. Các nhà quan sát cho biết Triều Tiên có thể thực hiện các cuộc thử vũ khí lớn trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng tới để tăng đòn bẩy của mình trong ngoại giao trong tương lai với người Mỹ.
Vào tháng 1.2024, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh sửa đổi Hiến pháp Triều Tiên để loại bỏ mục tiêu thống nhất Triều Tiên một cách hòa bình, chính thức chỉ định Hàn Quốc là "kẻ thù bất biến" của nước này và xác định phạm vi chủ quyền và lãnh thổ của Triều Tiên. Ông Kim Jong-un cũng ra chỉ thị về các biện pháp nghiêm ngặt nhằm chặn tất cả các kênh liên lạc liên Triều dọc biên giới. Ví dụ như cắt đứt tuyến đường bộ Gyeongui, bao gồm cả đường sắt, ở phía Triều Tiên.
Sắc lệnh của Chủ tịch Kim Jong Un khiến nhiều các bên theo dõi tình hình bán đảo Triều Tiên sửng sốt vì quyết định này được coi là phá vỡ giấc mơ ấp ủ từ lâu của những người tiền nhiệm của ông về việc đạt được một Triều Tiên thống nhất một cách hòa bình theo các điều khoản của Triều Tiên. Các chuyên gia cho biết Chủ tịch Kim có thể muốn làm giảm tiếng nói của Hàn Quốc trong cuộc đối đầu hạt nhân khu vực và tìm kiếm các thỏa thuận trực tiếp với Hoa Kỳ. Các nhà quan sát cũng cho rằng, Bình Nhưỡng cũng có thể hy vọng làm giảm ảnh hưởng văn hóa của Hàn Quốc và củng cố quyền lực trong nước của mình.