Bạn đọc viết

Hạn chế tình trạng tập sự ảo

- Thứ Ba, 24/03/2020, 07:54 - Chia sẻ

Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn luật này quy định, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn như Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28.11.2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư lại không quy định cụ thể về thời hạn có hiệu lực của giấy này đã khiến cho công tác quản lý của Sở Tư pháp địa phương gặp không ít khó khăn.

Quá trình thực hiện các văn bản liên quan đến hoạt động hành nghề của luật sư cho thấy, có không ít người đạt yêu cầu kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư và được cấp giấy chứng nhận kiểm tra nhưng không làm ngay hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà sau một thời gian rất dài, thậm chí là 10 - 15 năm mới đề nghị cấp Chứng chỉ. Điều này, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như không đảm bảo người đó còn đủ tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng hành nghề luật sư, ảnh hưởng đến chất lượng luật sư. Điều đáng lưu tâm, trong thời gian người đó không đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư không rõ cơ quan, tổ chức nào quản lý, giám sát người đó. Đây là một trong những vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 19/2013/TT-BTP.

Hiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28.11.2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến rộng rãi. Liên quan đến vấn đề này, Dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án 1: Quy định thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là 5 năm kể từ ngày được cấp. Quy định này góp phần hạn chế tình trạng con số “ảo” về số lượng người tập sự hành nghề luật sư, bảo đảm cho người đạt yêu cầu kiểm tra không bị mai một kiến thức và kỹ năng, đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý, giám sát đối với các trường hợp này.

Khác với việc quy định thời hiệu có hiệu lực của giấy, Phương án 2 đề xuất không quy định về hiệu lực của giấy chứng nhận nhưng quy định trách nhiệm của Đoàn luật sư nơi người đạt yêu cầu kiểm tra đăng ký tập sự có trách nhiệm tiếp tục giám sát người đó cho đến khi người đó đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Phương án này, có hạn chế là nếu trong trường hợp người đạt yêu cầu kiểm tra trong nhiều năm không đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thì kiến thức và kỹ năng của họ bị mai một, không bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư. Hơn nữa, Đoàn Luật sư gặp khó khăn khi phải giám sát họ trong thời gian dài hoặc người đó đã làm công việc khác nên nhiều khi không đạt được hiệu quả như mong muốn.  

Nguyễn Minh