Covid-19 và bầu cử

Hạn chế lây nhiễm bằng các hình thức bỏ phiếu đặc biệt

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 06:16 - Chia sẻ
Trong những hoàn cảnh bình thường, ngày bỏ phiếu thường là công dân đủ tuổi trên cả nước tiến hành bỏ phiếu bằng cách tích vào các lá phiếu bằng giấy. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, nhiều hình thức bỏ phiếu đặc biệt đã được áp dụng nhờ sự phát triển của công nghệ, chẳng hạn như bỏ phiếu tại các ki-ốt điện tử, bỏ phiếu qua internet. Một số nước cho phép công dân bỏ phiếu trước ngày bầu cử, bỏ phiếu qua bưu điện, thậm chí là sử dụng hòm phiếu di động mang đến từng nhà cử tri. Tất cả các biện pháp này nhằm bảo đảm số cử tri bỏ phiếu và qua đó, bảo đảm tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

Qua dữ liệu được thu thập từ các cơ quan quản lý bầu cử (EMB), các tổ chức nhà nước, phương tiện truyền thông và báo cáo quan sát bầu cử từ 52 cuộc bầu cử quốc gia (ở 51 quốc gia) vào năm 2020, nghiên cứu tác động của Covid-19 lên các cuộc bầu cử, do tổ chức IDEA Quốc tế và Dự án Liêm chính Bầu cử cùng tiến hành đã cho thấy, rất nhiều quốc gia đã áp dụng Thỏa thuận bỏ phiếu đặc biệt (SVA), hoặc sửa đổi các phương pháp bỏ phiếu hiện tại để giảm áp lực cho ngày bầu cử, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, việc áp dụng SVA rộng rãi còn nhằm bảo đảm quyền bầu cử cho các nhóm công dân dễ bị tổn thương, chẳng hạn như những người đang nhiễm virus hoặc trong khu vực cách ly vẫn có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

SVA có thể được định nghĩa là sự sắp xếp cho phép cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu của họ bằng các phương thức thay thế khác với việc bỏ phiếu trực tiếp tại điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Tổng cộng, 32 trong số 51 quốc gia (63%) tổ chức các cuộc bầu cử hoặc trưng cầu dân ý cấp quốc gia vào năm 2020 đã sử dụng ít nhất một biện pháp SVA. 23 quốc gia đã mở rộng SVA hiện có cho những người bị Covid-19 hoặc đang bị cách ly. Năm biện pháp SVA được áp dụng bao gồm: Bỏ phiếu sớm, bỏ phiếu qua bưu điện, bỏ phiếu ủy quyền, bỏ phiếu tại nhà với thùng phiếu di động, sắp xếp riêng cho những người nhiễm Covid-19 tại các điểm bỏ phiếu.

Một nhân viên bầu cử của Mỹ đang cầm phiếu bầu gửi qua bưu điện
Nguồn: Getty Images

Bỏ phiếu sớm

Bỏ phiếu sớm cho phép cử tri bỏ phiếu trước ngày bầu cử. Các quốc gia quy định thời điểm bỏ phiếu sớm khác nhau. Có nước áp dụng bỏ phiếu sớm cho toàn bộ cử tri, có nước lại chỉ áp dụng cho một nhóm cử tri cụ thể.

Tổng cộng, 15 quốc gia tổ chức bầu cử vào năm 2020 đã áp dụng bỏ phiếu sớm. Nhiều quốc gia đã kéo dài thời gian bỏ phiếu sớm để giảm bớt áp lực trong ngày bầu cử, chẳng hạn Hàn Quốc. Kết quả là, 26,7% (11.742.677 phiếu bầu) cử tri của Hàn Quốc đã bỏ phiếu sớm so với 12,2% (5.131.721 phiếu bầu) trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016. Tương tự, New Zealand cũng mở rộng bỏ phiếu sớm, chứng kiến ​​tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng 37,2% (1.976.996 phiếu bầu) so với cuộc bầu cử năm 2017 (1.240.740 phiếu bầu) và 63,7% so với cuộc bầu cử năm 2014.

Một số nước áp dụng bỏ phiếu sớm cho những người bị cách ly hoặc bị nhiễm Covid-19. Ở Myanmar, những cử tri không thể trở về nơi cư trú vì những hạn chế có thể bỏ phiếu tại các điểm tạm thời trước ngày bầu cử. Bắc Macedonia cũng áp dụng bỏ phiếu sớm cho những cử tri bị nhiễm Covid-19 và những người bị buộc cách ly tại nhà. Đơn đăng ký có thể được thực hiện trực tiếp thông qua đại diện được ủy quyền hoặc bằng phương thức điện tử, qua email, hoặc thông qua ứng dụng trực tuyến. Ở Bermuda, bỏ phiếu sớm đã được quy định trong Đạo luật Bầu cử Quốc hội Bermuda 1978. Tuy nhiên, năm nay biện pháp này cũng được mở rộng cho các cử tri với Covid-19.

Bỏ phiếu qua bưu điện

Bỏ phiếu qua bưu điện hay bỏ phiếu qua thư là biện pháp theo đó, cơ quan bầu cử gửi phiếu đến tận nhà cử tri, thường là nơi họ cư trú. Lá phiếu đã hoàn thành được gửi trả lại trước một thời hạn cụ thể nhằm bảo đảm cho thời gian tổng hợp và kiểm đếm phiếu. Để được phép bỏ phiếu qua đường bưu điện, công dân phải nộp đơn đăng ký trước.

Tổng cộng, 8 quốc gia tổ chức bầu cử vào năm 2020 đã sử dụng hình thức bỏ phiếu qua bưu điện. Các quốc gia như Mỹ và Ba Lan đã mở rộng các phiếu bầu qua bưu điện trong thời kỳ đại dịch. Đặc biệt tại Mỹ, tỷ lệ bỏ phiếu qua bưu điện đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể từ hơn 17% vào năm 2016, tương đương khoảng 23 triệu phiếu bầu, lên hơn 41%, tức chỉ dưới 36 triệu, vào năm 2020.

Bỏ phiếu ủy quyền

Bỏ phiếu theo ủy quyền cho phép một cử tri ủy quyền cho người khác bỏ phiếu thay cho họ. Tiêu chí để cho phép công dân được áp dụng hình thức bỏ phiếu ủy quyền khác nhau ở mỗi quốc gia. Tổng cộng, 4 quốc gia, cụ thể là Belize, Croatia, Ba Lan và Thụy Sĩ đã sử dụng các thỏa thuận bỏ phiếu ủy quyền trong các cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2020. Ở Croatia, bỏ phiếu ủy quyền được thực hiện cho những người có Covid-19 sau một quyết định của Tòa án Hiến pháp.

Bỏ phiếu tại nhà với hòm phiếu di động

Bỏ phiếu tại nhà cho phép cử tri có thể bỏ phiếu từ nơi ở hiện tại của họ. Cách bỏ phiếu này được thiết kế cho những cử tri không thể đến phòng phiếu vào ngày bầu cử vì nhiều lý do. Theo đó, đội ngũ nhân viên bầu cử sẽ mang thùng phiếu di động đến tận nhà của cử tri. Họ phải mặc các thiết bị bảo hộ, được đào tạo để tuân theo các quy trình nghiêm ngặt về y tế khi đến nhà các cử tri. Khi đến nơi, họ cũng phải tuân thủ duy trì khoảng cách với cử tri. Cử tri được yêu cầu đeo khẩu trang, cởi bỏ chúng trong thời gian ngắn để nhận dạng, khử trùng tay trước và sau khi bỏ phiếu.

Phương pháp bỏ phiếu tại nhà đã  được 21 quốc gia áp dụng nhằm tạo điều kiện cho người bị cách ly, người bị nhiễm Covid-19, người già hoặc người gặp khó khăn về đi lại… được thực hiện quyền công dân. Nhiều quốc gia, chẳng hạn như Croatia, Cộng hòa Séc, Lít va, Moldova, Montenegro, Myanmar  Bắc Macedonia  Romania  và  Hàn Quốc đã mở rộng các quy định hiện có để áp dụng biện pháp này.

Đối với cuộc trưng cầu dân ý ở Italy năm ngoái, những người bị nhiễm Covid-19 và những người phải tự cách ly có thể bỏ phiếu tại nhà nếu yêu cầu của họ được đưa ra trước ngày bầu cử 5 ngày. Việc thu thập phiếu bầu sẽ diễn ra trong điều kiện nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe tối đa. Tại quần đảo Seychelles, cơ quan bầu cử đã thiết lập các điểm bỏ phiếu đặc biệt cho các cử tri tại các cơ sở dịch vụ thiết yếu: Bệnh nhân trong bệnh viện, những người cao tuổi ở các viện dưỡng lão, những người ở các cơ sở cách ly... Tại Singapore trước cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7.2020, các đội bỏ phiếu di động đã mang các thùng phiếu đến cho những công dân bị cách ly trong phòng khách sạn, những người mới trở về từ nước ngoài.

Sắp xếp đặc biệt tại các điểm bỏ phiếu

Sắp xếp tại các điểm bỏ phiếu có thể bao gồm sắp xếp để trực tiếp bỏ phiếu vào ngày bầu cử trong và xung quanh các địa điểm bỏ phiếu do lo ngại về sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.

Tổng cộng, 11 quốc gia đã thực hiện sắp xếp các điểm bỏ phiếu. Ở Jamaica, Jordan, Sri Lanka, Hàn Quốc, Saint Vincent và Grenadines, những cử tri bị nhiễm Covid-19 hoặc bị cách ly có thể bỏ phiếu trong những thời gian được chỉ định đặc biệt vào ngày bầu cử. Các cử tri cần phải nộp đơn và nhận được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 3.2020 ở Israel, EMB đã thành lập 16 phòng bỏ phiếu cho 5.630 cử tri đang được cách ly tại nhà sau khi từ nước ngoài trở về nước. Kuwait và bang Idaho của Mỹ đã thực hiện biện pháp tương tự bằng cách tạo ra các điểm bỏ phiếu đặc biệt vào ngày bầu cử để tránh cho những người này tiếp xúc với các cử tri khác.

Hạn chế bỏ phiếu từ nước ngoài

Do các hạn chế của Covid-19, nhiều quốc gia đã hạn chế hoặc thậm chí hủy bỏ hình thức bỏ phiếu từ nước ngoài. Ủy ban Bầu cử của Hàn Quốc (NEC) đã hủy bỏ các hình thức này, tước quyền của khoảng 87.000 cử tri sống ở nước ngoài vì không có cơ hội bỏ phiếu qua đường bưu điện. Tương tự, Tòa án Hiến pháp Niger đã quyết định không áp dụng hình thức bỏ phiếu cho công dân ở nước ngoài trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra thời đại dịch, mặc dù Bộ luật Bầu cử có quy định hình thức này. Những quy định tương tự cũng được áp dụng ở Guinea và Cộng hòa Trung Phi. Trong khi đó tại Bắc Macedonia, số lượng cử tri ở nước ngoài đăng ký không đủ để tiến hành bỏ phiếu.

Đạt Quốc