Hạn chế lập quỹ tài chính ngoài ngân sách

Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách
Hoàng Ngọc ghi
17/02/2017 08:00

Nước ta hiện có hơn 70 quỹ tài chính ngoài ngân sách và có xu hướng gia tăng theo đề xuất của các bộ, ngành trình Chính phủ. Ở nhiều địa phương, việc tạo lập và quản lý các loại quỹ khác nhau bằng nguồn kinh phí tại chỗ. Theo thống kê sơ bộ, nguồn lực tài chính nhà nước ngoài ngân sách hàng năm ước khoảng 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) còn kém hiệu quả, do cơ chế quản lý lỏng lẻo. Nhiều quỹ tồn dư không sử dụng đến, trong khi NSNN phải đi vay để chi.

Cơ chế kiểm soát quỹ còn yếu kém

Một số dự án luật trình QH thời gian gần đây có xu hướng lập thêm quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đơn cử như dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 6 vừa qua, Ban soạn thảo đề nghị thành lập thêm 5 - 6 quỹ tài chính ngoài ngân sách, nhằm hưởng ưu đãi. Song, quy định này khó khả thi trong thực tế.
Hay, vừa qua tại cuộc Tọa đàm mô hình phát triển hợp tác xã ở Hà Lan và bài học cho các hợp tác xã của Việt Nam do Ủy ban Kinh tế tổ chức, khi tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, có ý kiến đề nghị thành lập thêm Quỹ ủy thác cho vay phát triển hợp tác xã. Liệu việc thành lập này có thực sự cần thiết? Qua trao đổi với các chuyên gia Hà Lan, mô hình hợp tác xã Hà Lan vẫn phát triển, hoạt động có hiệu quả mà không cần có ưu đãi về vốn, không có quỹ hỗ trợ.

Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách  Nguyễn Hữu Quang

Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài NSNN đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, Quỹ đã huy động, bổ sung và tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; ứng phó kịp thời với những tình huống cấp bách, góp phần phát triển, mở rộng đa dạng các hoạt động tài chính nhà nước. Tiếp tục bảo đảm tính ổn định, chủ động trước những biến động của nền kinh tế để thực hiện mục tiêu của Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách cũng còn những hạn chế. Chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định thống nhất về quỹ hoặc ban hành quá nhiều văn bản pháp luật cho hoạt động của một quỹ. Một số quỹ phân định rõ ràng về cơ chế thu, chi chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN. Quy định về tư cách pháp nhân của một số quỹ chưa rõ ràng, không phân biệt được là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp hay là một doanh nghiệp, dẫn đến không thống nhất, khó áp dụng chế độ báo cáo kế toán, chính sách tiền lương, thu nộp NSNN... Quy định về sự hình thành, quản lý và sử dụng một số quỹ chưa phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng. Một số văn bản hướng dẫn quản lý quỹ không có căn cứ, nhiều bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung.

Đáng lưu ý, trong quá trình quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Bộ Tài chính chưa tổng hợp và báo cáo đầy đủ về số lượng, nguồn lực và tình hình thu, chi các quỹ tài chính ngoài ngân sách trên phạm vi cả nước. Trên thực tế, UBND cũng như Sở Tài chính các tỉnh cũng chưa nắm và chưa báo cáo đầy đủ, chính xác được tình hình quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách trên địa bàn do tỉnh quản lý. Trong xu thế số lượng các quỹ tài chính ngoài ngân sách đang  tăng lên thì cơ chế huy động nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước chưa hiệu quả. Dẫn đến quy mô về vốn của quỹ không tăng trưởng nhanh như mong đợi, làm giảm hiệu quả hoạt động của quỹ. Cơ chế kiểm soát quỹ còn yếu kém, việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, hiệu quả. Một số quỹ chưa thực hiện tốt mục tiêu thành lập quỹ gây ra lãng phí nguồn lực tài chính; nguồn lực NSNN cấp cho các quỹ khá lớn nhưng sử dụng không hết, số vốn nhàn rỗi nhiều dẫn đến chưa đóng góp được cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do, hệ thống pháp luật quy định về hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Quỹ tài chính ngoài ngân sách chưa xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nhất thời, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao, phân tán nguồn lực quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của một số quỹ tài chính ngoài ngân sách, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Một số quỹ tài chính nhà nước hoạt động kém hiệu quả, quỹ tài chính ngoài ngân sách còn quá hạn hẹp. Quy định về trách nhiệm của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, Hội đồng quản lý, Ban điều hành quỹ tài chính ngoài ngân sách không rõ ràng, không có quy định rõ trách nhiệm cá nhân gắn với chế tài xử lý cụ thể.

Tăng cường giám sát của QH, HĐND

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách, Luật NSNN năm 2015 đã bổ sung các quy định về Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tới đây, cần tăng cường việc giám sát, thanh tra, kiểm toán của QH, HĐND, Thanh tra Chính phủ và KTNN đối với việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đặc biệt, cần hạn chế việc thành lập quỹ tài chính ngoài ngân sách. Chỉ nên thành lập các quỹ nhằm mục đích xã hội hóa chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ công cộng khi lợi ích của người góp quỹ gắn liền với những hàng hóa và dịch vụ công cộng mà quỹ thực hiện. Trong trường hợp đó cần phải có đại diện của những người góp quỹ trong ban quản lý quỹ. Các quỹ có bản chất ngân sách cần phải được chuyển vào ngân sách để bảo đảm chức năng của ngân sách; các quỹ có chức năng như một tổ chức tín dụng cần phải được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng. Các Quỹ tài chính ngoài ngân sách cần được hệ thống hoá thành các nhóm theo tiêu chí phân loại (theo tính chất, quy mô, đối tượng, phạm vi, phương thức huy động vốn và quy chế sử dụng, hoạt động của quỹ) và trên cơ sở các nhóm quỹ tài chính ngoài ngân sách để xác định đối tượng quản lý, mục tiêu, phạm vi và nội dung hoạt động của mỗi quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Đồng thời, cần phân định rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương đối với việc quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách; xây dựng chuẩn hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ thống nhất, đồng bộ, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ về quản lý, sử dụng, đóng góp các quỹ. Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ nhà nước. Hàng năm trong báo cáo ngân sách cần phải có báo cáo ngân sách tổng thể bao gồm cả những ngân sách từ những quỹ nhà nước nhưng có sử dụng ngân sách hoặc có sử dụng nguồn thu có bản chất ngân sách để so sánh. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách, thường xuyên nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao năng lực quản lý, điều hành và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hạn chế lập quỹ tài chính ngoài ngân sách
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO