Hạn chế của địa phương là tập trung phát triển kinh tế, xã hội còn ô nhiễm môi trường thì cố chịu...
Trao đổi với PV Báo ĐBND ngay sau chuyến giám sát đầu tiên về việc thực thi pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề ở Bắc Ninh, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN (PTĐ) giám sát NGHIÊM VŨ KHẢI cho rằng, giải pháp then chốt để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn phải là tăng cường quản lý nhà nước, trong đó cần ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan.
PV: Thưa Phó trưởng Đoàn, vì sao Đoàn giám sát lại chọn Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong số 16 tỉnh, thành phố tiến hành giám sát ?
PTĐ Nghiêm Vũ Khải: Bắc Ninh là một tỉnh gần thủ đô Hà Nội, nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Bắc, nếu nói tứ giác thì là Hà Nội - Hải Phòng - Bắc Ninh - Quảng Ninh, nếu nói tam giác là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thì Bắc Ninh cũng đã nằm trong khu vực này. Đây cũng là tỉnh có cơ cấu kinh tế tương đối toàn diện, phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, thủ công nghiệp. Năm 2010, GDP của Bắc Ninh đạt hơn 9.696 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 5.000 tỷ đồng. Bắc Ninh có tới 62 làng nghề, trong đó có 32 làng nghề truyền thống với nhiều làng nghề nổi tiếng như làng gỗ Đồng Kỵ… Ngoài ra, Bắc Ninh là địa bàn nằm trên lưu vực sông Cầu, cùng với hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai – sông Sài Gòn là 3 hệ thống sông lớn trên đất nước ta. Chính từ những yếu tố này Đoàn đã quyết định chọn Bắc Ninh là tỉnh giám sát đầu tiên.
PV: Qua giám sát,Phó trưởng Đoàn đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các làng nghề ở Bắc Ninh ?
PTĐ Nghiêm Vũ Khải: Luật Bảo vệ môi trường có tới hơn 20 điều giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn thực hiện, vì vậy chuyên đề giám sát lần này khá nhấn mạnh đến khâu quản lý nhà nước ở địa phương, gồm các nhiệm vụ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, thực thi pháp luật; việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường; tổ chức bộ máy, bố trí nguồn nhân lực, các nguồn lực về kinh phí, công nghệ và các điều kiện khác như đất đai, trang thiết bị; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Nhìn chung, việc ban hành, hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến môi trường làng nghề của Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả nhất định. UBND tỉnh đã ban hành Quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, khu công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, trong đó đề ra nhiều biện pháp mạnh như cắt điện, ngừng cấp vốn vay đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ban hành Quyết định quy định chế độ hỗ trợ xây dựng điểm tập kết, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn. Bắc Ninh cũng đã thành lập Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường có năng lực cao thứ hai ở khu vực phía bắc sau Thái Nguyên. Nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tỉnh cũng đã lập quy hoạch 53 cụm công nghiệp, đến nay 29 cụm đã đi vào hoạt động.
PV: Vậy ý thức bảo vệ môi trường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã có những tiến bộ, thưa Phó trưởng Đoàn?
PTĐ Nghiêm Vũ Khải : Qua thực tế, trao đổi với lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã thì thấy ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã có phần được nâng cao. Tuy nhiên, sự tham gia đóng góp xã hội hóa để bảo vệ môi trường còn hạn chế. Ngay cả nguồn kinh phí dành cho sự nghiệp môi trường là 1% ngân sách cũng còn rất hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, chưa nói đến việc sử dụng sai mục đích hay kém hiệu quả. UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp Phong Khê với tổng vốn khoảng 85 tỷ đồng, bao gồm vốn đóng góp của các doanh nghiệp, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước (nếu có) và các nguồn vốn khác, nhưng đến nay thành phố vẫn chưa có kinh phí để triển khai dự án. Trong khi với GDP bình quân đầu người đạt 1.800 USD, gấp rưỡi bình quân cả nước thì Bắc Ninh phải dành một nguồn lực xứng đáng hơn để bảo vệ môi trường, người dân ở đó cũng phải ý thức được điều kiện kinh tế đã khá lên thì mình cần sống một cuộc sống có chất lượng và môi trường sống phải an toàn. Vấn đề ở đây là cần huy động mọi nguồn lực: kinh phí trung ương, tỉnh đóng góp bao nhiêu, doanh nghiệp bỏ ra bao nhiêu, rồi các quỹ cơ chế tài chính tín dụng, ai đứng ra làm và làm xong thì vận hành, duy tu bảo dưỡng nó như thế nào để phát huy hiệu quả lâu dài.
PV: Vấn đề thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm có vai trò quan trong trong bảo vệ môi trường ?
PTĐ Nghiêm Vũ Khải : Việc xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm tra thì chưa thật sự có hiệu lực. Theo quyết định 64 năm 2003 của Chính phủ về việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bắc Ninh có 6 cơ sở. Tuy nhiên, đấy là con số thống kê vào thời điểm năm 2003 chứ còn hiện nay, con số cơ sở gây ô nhiễm môi trường chắc vẫn còn tiếp tục tăng. Xử phạt đương nhiên không phải là mục tiêu mà chỉ là biện pháp. Tuy nhiên, nếu muốn xác định một cơ sở vi phạm thì phải phải phân tích, quan trắc, đo đếm thật chính xác thì họ mới không thể từ chối nộp phạt. Nhưng do năng lực phân tích, quan trắc chưa cao, kết hợp với ý thức người dân hạn chế nên nảy sinh tâm lý người nọ trông người kia, anh phạt được cả xã thì tôi mới nộp phạt. Tất nhiên cũng phải lưu ý tới đặc thù của làng nghề, đó là tập hợp những cơ sở sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, công nghệ thấp, lạc hậu, ít vốn, không giống như khu công nghiệp là nơi sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế. Chúng ta vẫn nói vui: nắm anh có tóc, không ai nắm thằng trọc đầu. Khu công nghiệp nếu bị đình chỉ hoạt động thì anh hoảng ngay, nhưng ta không thể đình chỉ hoạt động của những người dân mà nguồn thu chỉ dựa vào nghề làm bún, làm giấy... Đình chỉ thì họ sống bằng gì ? Đây sẽ là vấn đề xã hội rất bức xúc cho nên khi tiếp cận và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề cần thận trọng. Cần chú trọng tuyên truyền giáo dục để người dân làng nghề ý thức được rằng họ cần phải bảo vệ môi trường, vì đó cũng là môi trường sống của chính họ.
PV: Kinh phí dành cho sự nghiệp môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường có phải là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường không những chậm được khắc phục mà còn có chiều hướng gia tăng?
PTĐ Nghiêm Vũ Khải: Hạn chế chung của các địa phương là mới tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội, còn ô nhiễm môi trường thì cố chịu, nhưng đến lúc nó bục ra thì rất nguy hiểm. Theo tính toán của các chuyên gia, cứ tăng 1% GDP thì các chất rác thải tăng 3 lần. Nộp ngân sách cao chứng tỏ sản xuất nhiều, cũng có nghĩa là ô nhiễm nhiều. Cho nên trong chính sách thu thuế, phí hiện nay phải tính toán xem tỷ lệ bồi hoàn lại cho địa phương là bao nhiêu để có thể phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường. Tôi rất ủng hộ ngân sách, tài chính thì phải chặt chẽ, nếu đại khái thì chưa chắc chi nhiều tiền đã hiệu quả, nhưng nguồn chi phải đáp ứng được yêu cầu thực tế, chứ như hiện nay là chưa đủ. Như Bắc Ninh, tốc độ phát triển kinh tế năm 2010 là 17,8%, chúng ta nhân 3 lên thì tỷ lệ rác thải tăng 50%, cứ năm sau tăng cao hơn năm trước nhưng nguồn kinh phí vẫn chỉ chiếm 1% ngân sách thì không thể nào đáp ứng được. Theo tôi, tiến tới cần tăng chi cho bảo vệ môi trường lên ít nhất là 2% - 2% này chưa bằng 0,5% GDP, trong khi nhiều nước chi tới 1-2% GDP để bảo vệ môi trường và chúng ta đều biết tính chất ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, xử lý ngày càng tốn kém.
PV: Đặc điểm lịch sử của làng nghề là phát triển tự phát. Ở Bắc Ninh, trong số 62 làng nghề thì có một nửa mới được thành lập. Phải chăng trong việc bảo vệ môi trường làng nghề cũng cần tính đến yếu tố quy hoạch?
PTĐ Nghiêm Vũ Khải: Yếu tố quy hoạch đã được nhiều thành viên Đoàn giám sát đề cập khi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh. Có thể thấy rằng khái niệm làng nghề hiện nay chưa thống nhất, cho nên số liệu thống kê số lượng làng nghề ở nhiều văn bản không khớp với nhau. Tôi cho rằng, làng nghề không bao hàm những cơ sở sản xuất nhỏ mang tính chất hộ gia đình, hợp tác xã, nằm rải rác trên địa bàn của một làng, một xã... Đồng thời, khái niệm làng nghề phải được phân định thành nhiều loại hình: làng nghề truyền thống, làng nghề đa nghề, làng nghề theo mô hình cụm những khu sản xuất nhỏ…
PV: Theo Phó trưởng đoàn, để giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung cần chú trọng những giải pháp gì?
PTĐ Nghiêm Vũ Khải: Giải pháp then chốt vẫn phải là tăng cường quản lý nhà nước, trong đó cần ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan. Có thể, sau chuyên đề giám sát này, QH sẽ giao cho cơ quan của Chính phủ soạn thảo một luật sửa nhiều luật, ví dụ luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và liên quan đến môi trường, có nghĩa là không sửa riêng Luật Bảo vệ môi trường mà cả luật về đầu tư, ngân sách, thuế, luật hình sự… Thực tế hiện nay việc bồi hoàn thuế cho các địa phương chủ yếu căn cứ vào diện tích và dân số của địa phương đó, chứ chưa quan tâm đến yếu tố nơi nào sản xuất nhiều, gây ô nhiễm môi trường nhiều, nơi nào sản xuất ít… Ngay cả Luật Hình sự đã sửa đổi theo hướng tương đối nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của cá nhân nhưng đến nay vẫn chưa có cá nhân nào bị xử lý, như thế là luật không có hiệu lực. Chúng ta không lấy xử phạt làm mục đích nhưng luật pháp mà không có xử phạt thì không nghiêm.
Một điều cực kỳ quan trọng trở thành nguyên tắc trong bảo vệ môi trường đó là: bảo vệ môi trường ở cơ sở cộng đồng làm chính, chính quyền địa phương và người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường. Phải phát huy vai trò của chính quyền cơ sở và người dân, làm cho người dân hiểu bảo vệ môi trường như là một phần cuộc sống của mình. Nếu người dân chưa nhận thức được thì phải giáo dục tuyên truyền, nhận thức được rồi mà không làm thì phải yêu cầu, cưỡng chế. Quản lý nhà nước không tốt thì doanh nghiệp sẽ còn suy nghĩ: chừng nào xả ra được môi trường thì cứ xả, tội gì. Nhưng nếu nhận thức được thì người ta sẽ thấy không nên làm và cũng không thể làm.
PV: Xin cám ơn Phó trưởng đoàn!