Hammett và tân tiểu thuyết trinh thám
Dashiel Hammett thực sự nổi danh vào đầu những năm 1920 của thế kỷ trước với tư cách một nhà văn. Trong thời gian làm nhân viên quảng cáo quèn cho một cửa hàng bán đồ trang sức, ông đã gửi những tác phẩm đầu tay của mình đến tạp chí Smart Set, tiền thân của tờ Người New York ngày nay.
Nếu William Burnett, Don Tracy, James Cain hay Horace McCoy nổi lên nhờ những bài viết thể thao, hình sự thì Hammett cũng nhanh chóng được nhiều tạp chí chuyên xuất bản các tin mờ ám giật gân trên loại giấy rẻ tiền “nhòm ngó” nhờ những nhân vật “dưới đáy” trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn những người đàn ông say khướt cả ngày ở những “ổ rượu” tăm tối, những cô gái điếm nhìn đời bằng nửa con mắt, những bóng hồng lả lướt dưới mưa như những bóng ma, những tay anh chị nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm... Và thế là nhân sự kiện Smart Set gặp cơn lao đao tài chính, tờ nguyệt san Black Mask đã ra tay tương trợ bằng cách “thầu” lại các tiểu thuyết của Dashiel. Từ đó, độc giả được chứng kiến sự lên ngôi của một dòng tiểu thuyết mới, “sặc mùi” súng đạn, xã hội đen, thậm chí cho ra đời cả thể loại phim vang bóng một thời trong ngành điện ảnh: phim "đen" (noir), phim đen trắng, phim trinh thám hay phim gangster.
Thực ra, trước Hammett, thuật ngữ truyện trinh thám (detective story) đã có từ lâu lắm rồi, từ cái hồi mà Edgar Allan Poe cho ra đời nhân vật thám tử nghiệp dư đầu tiên Auguste Dupin. Sau đó cũng có nhiều loại thám tử khác lần lượt trình làng như thám tử tư Sherlock Holmes (1887) của Arthur Conan Doyle, thám tử - kẻ trộm Arsène Lupin (1905) của Maurice Leblanc hay thám tử - phóng viên Le Rouletabille (1907) của Gaston Leroux... Song phim "đen" có được chỗ đứng như hiện nay giữa các thể loại phim và đạo diễn Quentin Tarantino có thể biến Uma Thurman thành một cô nàng gangster quyến rũ trong Chuyện tào lao (Pulp Fiction) lại không thuộc “công” của dòng truyện trinh thám “kiểu” này, mà chính roman noir với cha đẻ Hammett của nó và cái cách ông miêu tả những nhân vật “có tài bẻ khóa” nhưng luôn mang vẻ phớt đời, chỉ quan tâm tới việc hút xì gà và nốc cạn whisky trong những nhà nghỉ tồi tàn mới có tác động quyết định: ông đã tạo nên một cuộc cách mạng văn phong, tấn công kịch liệt lối viết khoa trương vốn thịnh hành thời đó trong các tác phẩm thriller và “thêm mắm thêm muối” cho những ngôn từ sáo rỗng vốn được giới chính trị, luật gia và những người thuyết giáo ưa chuộng. Các tác phẩm của Hammett toát lên những chỉ trích xã hội đương thời gay gắt, vạch trần những cảnh bạo lực sinh động nhất bằng lối văn trữ tình tàn khốc, và không ngần ngại công khai lên án nước Mỹ tư bản với đầy rẫy những tay đâm thuê chém mướn, những kẻ ám ảnh tình dục bệnh hoạn, những quý bà buông thả cuồng dâm, những luật sư ám muội và những tay chủ quán bar khả nghi, lén lút. Hammett không đi vào tôn vinh hình mẫu “thám tử ngoài cuộc” như các nhà văn cùng thời mà buộc nhân vật của mình phải trải nghiệm trong môi trường “tệ nạn”, xã hội đen và tự đối phó bằng chính con tim và khối óc của họ với mỗi tình huống gay cấn xảy ra. Vị cha đẻ của dòng roman noir này không muốn “vuốt ve” độc giả bằng những vụ án hoàn hảo mà để họ tận mắt chứng kiến những vụ nhớp nhúa thực sự. Ông cũng không ưa gì lối viết truyện trinh thám để ngỏ nhằm mua vui đại đa số độc giả mà buộc họ phải sống thực sự, phải cảm giác nghẹt thở một khi dấn thân vào thế giới tội ác. Hammett đã vận dụng thành công ngôn ngữ thô nhám, lối viết khúc triết với những hành động nhanh gọn, mãnh liệt và sinh động để tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Quả thực, ông là hình mẫu lý tưởng đối với cả một thế hệ văn sỹ. Jean - Bernard Pouy, nhà văn Pháp khởi đầu loạt tiểu thuyết Le Poulpe – nguồn cảm hứng dồi dào của nhiều tác giả nổi tiếng từng thừa nhận: “Tôi luôn cảm thấy Dashiel Hammett là một thiên thần hộ mệnh. Ông có sức hấp dẫn kỳ lạ và là thần tượng của giới nhà văn thuộc trường phái tiểu thuyết trinh thám mới ở Pháp, người có khả năng sống hết mình để uống rượu, để yêu và chiến đấu. Xã hội cứ lên án thế hệ văn sĩ chúng tôi là “sản phẩm” của cuộc cách mạng tháng 5-1968 nhưng họ đã lầm bởi thực chất mọi vấn đề, tư tưởng đều bắt nguồn từ Hammett”. Thậm chí ở Pháp thời đó, bùng nổ hiện tượng một loạt cây bút trẻ tài hoa đã dấn thân vào dòng tiểu thuyết này dưới những cái bút danh Mỹ hóa: Louis Chavance thành Irving Ford, Louis Daquin ký tên là Lewis McDacking hay Léo Malet lại tự nhận là Frank Harding...
Ảnh hưởng của Hammett càng lớn mạnh hơn khi phong trào chống cộng năm 1952 ở Mỹ chĩa mũi dùi vào ông. Tác phẩm của Hammett được tái bản nhiều hơn bao giờ hết, thậm chí các nhà làm phim Hollywood còn đổ xô đi mua bản quyền tác phẩm của ông và một số nhà văn viết theo khuynh hướng roman noir. Một trong những tác phẩm của Hammett, The Maltese Falcon đã được đạo diễn John Houston chuyển thể thành bộ phim cùng tên (1941) và được coi là cú hích quyết định đối với tương lai thể loại film noir. Từ đây, dòng phim chuyên khai thác khía cạnh pháp lý, bất an xã hội, tham nhũng, đồi trụy và thế giới ngầm đầy ác mộng này cho ra đời một loạt tác phẩm kinh điển như Sunset Boulevard (1950) của Billy Wilder, Scarface (1932) của Howard Hawks hay Strangers on a train (1951) của Alfred Hitchcock... và lan rộng khắp các phim trường thế giới: ở Italy nổi lên Ossessione (1942) của Luchino Viscoti, đảo quốc sương mù được vinh danh cùng The Third Man (1947) của Carol Reed hay Chien Enragé (1949) của đạo diễn người Nhật Akira Kurosawa... Alain Corneau, tác giả phim Série noire (1979) coi Hammett là biểu tượng của thể loại phim thriller thiên hướng âm mưu chính trị, trong khi đó đạo diễn Francis Girod ngưỡng mộ khẳng định “từng câu từng chữ trong tác phẩm của Hammett đều mang hơi hướng điện ảnh”. Nhà làm phim chỉ còn nhiệm vụ dựng lại từng địa điểm (nơi ở của vị thám tử, căn hộ của vai nữ chính xinh đẹp, những ngõ vắng...), từng nhân vật (người đàn bà định mệnh với đôi mắt xanh biếc, gã sát thủ có gương mặt một thiên thần hay những tay gangsters ho hen kèn cựa...), và bầu không khí u ám lẩn khuất những hiểm họa và dục vọng vốn đã được nhà văn miêu tả rất chân thực và sống động.
Phùng Thị Hồng Minh
Theo Le Monde