Tia hy vọng mong manh
Các động thái ngoại giao mang tích cực cùng chiến lược quân sự “bên miệng hố chiến tranh” cuối cùng đã mang lại tia hy vọng, dù vẫn còn mong manh, về một hiệp định có thể giúp tạm dừng cuộc chiến kéo dài 7 tháng đã tàn phá Dải Gaza.
Tuy nhiên, biến số về khả năng đạt được thỏa thuận nằm ở nguy cơ Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah, phía Nam dải Gaza, một động thái mà Hoa Kỳ cực lực phản đối và các nhóm viện trợ nhân đạo cảnh báo sẽ là thảm họa đối với khoảng 1,4 triệu người Palestine đang tị nạn ở đó.
Hamas đã bất ngờ tuyên bố chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn chỉ vài giờ sau khi Israel ra lệnh sơ tán khoảng 100.000 người Palestine khỏi các khu vực phía đông Rafah, một động thái báo hiệu cuộc công sắp sửa được tiến hành.
Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, ngay sau khi Hamas thông báo đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn do Ai Cập và Qatar làm trung gian, Nội các Chiến tranh của Israel đã quyết định vẫn tiếp tục hoạt động ở Rafah. Họ cũng nói rằng mặc dù đề xuất mà Hamas đồng ý “chưa đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi của Israel”, nhưng họ sẽ cử các nhà đàm phán đến Ai Cập để tiếp tục thảo luận về một thỏa thuận. Cuối ngày 6.5, Qatar cũng thông báo sẽ cử một phái đoàn đến Ai Cập để thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Quân đội Israel cho biết họ đang tiến hành “các cuộc tấn công có mục tiêu cụ thể” nhằm vào Hamas ở phía đông Rafah. Một quan chức an ninh Palestine và một quan chức Ai Cập cho biết ngay sau đó, xe tăng của Israel đã tiến vào Rafah, cách cửa khẩu của Rafah với nước láng giềng Ai Cập khoảng 200m. Vào cuối ngày 6.5, Israel cũng tiến hành một những cuộc không kích khác nhằm vào Rafah khiến 5 người thiệt mạng trong đó có 1 phụ nữ và 1 trẻ em, theo báo cáo từ phía bệnh viện. Israel từ chối bình luận về thông tin này.
Loạt tấn công được tiến hành một ngày sau khi Hamas tấn công bằng súng cối ở gần cửa khẩu Rafah khiến 4 binh sĩ Israel thiệt mạng.
Mỹ xem xét bản thỏa thuận ngừng bắn mà Hamas đồng ý
Hiện chưa rõ liệu đề xuất mà Hamas đồng ý có khác biệt đáng kể so với đề xuất mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã yêu cầu nhóm chiến binh này chấp nhận vào tuần trước hay không. Trong chuyến công du Trung Đông tuần trước, ông Blinken cho biết Hamas nên chấp nhận thỏa thuận này vì chúng đã bao gồm cả những nhượng bộ đáng kể từ phía Israel.
Một quan chức Mỹ cho biết Mỹ đang xem xét liệu những gì Hamas đồng ý là phiên bản được Israel và các nhà đàm phán quốc tế đã thúc đẩy và ký kết hay là một phiên bản nào khác.
Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện với thủ tướng Israel Netanyahu và nhắc lại những lo ngại của Mỹ về cuộc tấn công nhằm vào Rafah. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết các quan chức Mỹ đang xem xét phản ứng của Hamas “và thảo luận về vấn đề này với các đối tác của trong khu vực”.
Theo nguồn tin từ các quan chức Ai Cập tham gia đàm phán, thỏa thuận mà các bên trung gian quốc tế đang thúc đẩy kêu gọi ngừng bắn 3 giai đoạn, bắt đầu bằng việc thả con tin có giới hạn và Israel rút một phần binh sĩ khỏi Gaza. Họ cho biết, hai bên cũng sẽ đàm phán nhằm đạt được “hòa bình vĩnh viễn” theo đó, Hamas sẽ thả toàn bộ con tin và Israel sẽ rút quân nhiều hơn khỏi lãnh thổ.
Lập trường của mỗi bên
Cho đến nay, Hamas luôn tìm kiếm một sự đảm bảo rõ ràng cho yêu cầu cốt lõi của họ là bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải giúp đưa đến việc chấm dứt chiến tranh và Israel hoàn toàn rút quân khỏi Gaza để đổi lấy việc Hamas thả tất cả con tin. Tuy nhiên, không rõ thỏa thuận mà họ tuyên bố chấp nhận có bất kỳ thay đổi nào hay không.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Israel đã nhiều lần bác bỏ điều kiện tiên quyết mà Hamas đưa ra. Phía Israel luôn công khai tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch của họ cho đến khi Hamas bị tiêu diệt.
“Giữa hai làn đạn”
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu đang vừa phải chịu áp lực các đối tác cứng rắn trong liên minh của ông, những người yêu cầu tiếp tục kế hoạch tấn công Rafah và đe dọa sẽ khiến chính phủ của ông sụp đổ nếu ông ký một thỏa thuận với Hamas; vừa phải chịu sức ép từ gia đình các con tin, các đồng minh quan trọng như Mỹ và dư luận quốc tế trong việc nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.
Gia đình các thân nhân cho rằng, thời gian không còn nhiều để đưa những người thân yêu của họ về nhà an toàn và lo ngại chiến dịch quân sự ở Rafah sẽ càng gây nguy hiểm cho tính mạng của những con tin.
Trong một diễn biến liên quan, hàng nghìn người Israel đã biểu tình khắp đất nước vào tối 6.5 để kêu gọi Chính phủ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức.
Israel cho biết Rafah là thành trì quan trọng cuối cùng của Hamas ở Gaza, và ông Netanyahu cho biết hôm 6.5 rằng cuộc tấn công nhằm vào thành phố này là rất quan trọng để đảm bảo các chiến binh không thể tái thiết khả năng quân sự của họ.
Nhưng ông phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 6.5 cho biết Mỹ chưa thấy Israel đưa ra kế hoạch đáng tin cậy nào để bảo vệ thường dân Palestine. Ông nói: “Chúng tôi không thể hỗ trợ một hoạt động ở Rafah như kế hoạch hiện tại”.
Kế hoạch tấn công Rafah của Israel cũng gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Các cơ quan viện trợ cảnh báo rằng một cuộc tấn công sẽ khiến nhiều dân thường thiệt mạng hơn trong một cuộc chiến tranh vốn đã khiến hơn 34.000 người thiệt mạng. Họ nói rằng mở thêm một mặt trận ở Rafah cũng có thể phá hủy hoạt động viện trợ nhân đạo ở thành phố này, vốn đang đóng vai trò chính giúp người Palestine trên khắp Dải Gaza sống sót.
Trong những diễn biến gần nhất, Israel đã cho rải truyền đơn và cho phát thanh trên đài, loa nhằm yêu cầu người Palestine sơ tán khỏi các khu dân cư phía đông của Rafah, cảnh báo rằng một cuộc tấn công sắp xảy ra và bất kỳ ai ở lại đều “đặt bản thân và các thành viên gia đình của họ vào tình thế nguy hiểm”. Quân đội Israel yêu cầu người dân di chuyển đến khu vực nhân đạo có tên là Muwasi, một trại tạm thời trên bờ biển gần Khan Younis. Trước đó, Israel cho biết họ sẽ mở rộng quy mô của khu trại tị nạn nhân đạo này, bao gồm các lều trại, thực phẩm, nước uống và bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu điều đó đã được thực hiện hay chưa.