Hải quan với việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa
Trong việc kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ngành hải quan đã phát hiện nhiều vi phạm, gian lận, đặc biệt là hiện tượng gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và chuyển tải trái phép hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam. Để ngăn chặn tình trạng này, mới đây ngành hải quan đã ban hành Đề án Tăng cường năng lực của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra và xác định xuất xứ hàng hóa.
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, trong công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, gian lận, đặc biệt là hiện tượng gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và chuyển tải trái phép hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam qua việc làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam (C/O) hoặc làm giả chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa lô hàng có xuất xứ tại Việt Nam. Tình trạng này thường xảy ra đối với hàng dệt may, giày dép, xe đạp, nến, gạch men, thủy sản, nông sản khác...
Điển hình như một số mặt hàng tạm nhập, xuất khẩu từ Trung Quốc sang nước ta, để thực hiện hành vi gian lận về xuất xứ, hàng hóa thường được thực hiện công đoạn gia công đơn giản hoặc thay bao bì tại nước ta rồi xuất khẩu sang nước thứ 3 với xuất xứ Việt Nam. Hoặc đối với mặt hàng gạch men, phân bón thường được làm giả C/O xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi Đài Loan, do Đài Loan áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cao hơn so với hàng nhập khẩu từ nước ta… Gần đây nhất là việc, Cục Hải quan Đồng Nai đã phát hiện Công ty TNHH Công nghiệp SPC Tianhua Việt Nam có hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa đi Hoa Kỳ. Cụ thể, theo kết quả điều tra, Công ty này không tiến hành sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hợp chất xử lý nước từ Trung Quốc về rồi sau đó thay thế nhãn mác ghi xuất xứ Trung Quốc bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam trên lô hàng để xuất khẩu sang Hoa Kỳ…
Những hành vi gian lận này đã gây ra những hậu quả rất xấu cho chính các doanh nghiệp nước ta trong việc tìm kiếm thị trường làm ăn, ký kết các hợp đồng, không những thế, còn làm thất thu một khoản thuế rất lớn của Nhà nước, tác động xấu đến sản xuất trong nước; ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh với các mặt hàng trong nước…
Thực tế trên đòi hỏi cơ quan Hải quan – đơn vị liên quan trực tiếp việc xác định xuất xứ hàng hóa cần có sự thay đổi để nâng cao năng lực. Và, mới đây Tổng cục Hải quan đã ban hành Đề án Tăng cường năng lực của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra và xác định xuất xứ hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, Đề án nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tạo thuận lợi thương mại; đồng thời, bảo đảm quản lý chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước, chống thất thu thuế và gian lận thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài và nhập khẩu vào thị trường trong nước, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng. Mục tiêu cụ thể của Đề án là xác định đúng xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chống gian lận về xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giả mạo chứng nhận xuất xứ, khai báo sai về xuất xứ. Qua đó, tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, thông qua việc kiểm tra xuất xứ hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm thông quan hàng hóa nhanh chóng, thủ tục đơn giản và thống nhất.
Đề án cũng đưa ra các giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý; giải pháp về tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện gian lận và các hình thức vi phạm khác về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; giải pháp xây dựng, quản lý và ứng dụng Danh mục hàng hóa rủi ro về xuất xứ. Giải pháp nâng cao, kiện toàn bộ máy nhằm đáp ứng mục tiêu của công cuộc cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành hải quan; tăng cường năng lực cho cán bộ công chức làm công tác xuất xứ và điều kiện làm việc phục vụ cho công tác kiểm tra…