Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 1.2024, Việt Nam thu hút được 9.891 dự án đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 86 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng số dự án và 18,25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.
Với kết quả trên, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng xuất hiện và liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Điển hình như Samsung, LG, Huyndai…
Bà Trần Thị Thúy Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết, với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, phục vụ người dân và doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng. Đặc biệt, để công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan đạt hiệu quả thiết thực, ngành hải quan triển khai toàn diện công tác đối thoại doanh nghiệp ở cả 3 cấp: tổng cục, cục và chi cục.
Thông qua các hội nghị đối thoại, cơ quan Hải quan giới thiệu chính sách mới để doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện đúng khi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa; từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp tốt với cơ quan hải quan trong việc thực thi pháp luật chống buôn lậu, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan; về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức hải quan khi thi hành công vụ.
Bằng biện pháp này, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp và nắm thêm được những thông tin bổ ích, lắng nghe các ý kiến góp ý của doanh nghiệp để công tác cải cách hành chính về hải quan ngày càng thiết thực hơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách
Chia sẻ về kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật; tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin năm 2024 của Tổng cục Hải quan, bà Trần Thị Thúy Hòa cho biết, trong năm 2024, ngành hải quan sẽ tuyên truyền các văn bản đã ban hành trong năm 2023 của ngành tài chính gồm 12 văn bản Luật, 7 Nghị định và 1 Thông tư của Bộ Tài chính.
Đối với các văn bản đang trong quá trình soạn thảo, Tổng cục Hải quan cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn, quy trình quy chế nghiệp vụ của ngành dự kiến được ban hành trong năm 2024. Theo đó, ngoài việc đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan cũng sẽ tổ chức các hội thảo chung, hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng để bảo đảm văn bản được ban hành có tính khả thi, hạn chế vướng mắc phát sinh khi áp dụng văn bản.
Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan được ban hành, Tổng cục Hải quan sẽ soạn thảo và đăng tải đề cương giới thiệu nội dung mới của văn bản trên Cổng thông tin điện tử hải quan, Tạp chí Hải quan điện tử; thực hiện bài giảng trực tuyến giới thiệu nội dung mới của văn bản và đăng tải bài giảng trực tuyến lên Cổng thông tin điện tử hải quan, Tạp chí Hải quan điện tử.
Đặc biệt, trong năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; kế hoạch chuyển đổi số của ngành, hướng tới mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bảo đảm thực hiện chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.