Hải quan - Doanh nghiệp: Từ quan hệ quản lý sang đối tác tin cậy

Dương Cầm 29/04/2023 10:39

Tại Việt Nam, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp là cơ sở quan trọng cho cơ quan Hải quan áp dụng các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, đồng thời là yếu tố thiết yếu cho việc áp dụng quản lý rủi ro, quyết định phân luồng kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan. Nhằm xây dựng và phát triển quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, ngày 15.7.2022, Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Hướng tới giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay, Việt Nam có hơn 190.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu được đánh giá trên hệ thống quản lý rủi ro. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có trên 10% doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tồn tại đến 89% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ, chiếm hơn 16% kim ngạch và tờ khai xuất nhập khẩu.

Ngành hải quan hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Nguồn: ITN

Từ thực tế đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Doanh nghiệp khi tham gia chương trình sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ hướng dẫn miễn phí các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh. Chương trình đã đặt ra mục tiêu sau 2 năm, 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức tuân thủ cao và trung bình. Tổng cục Hải quan kỳ vọng sẽ hỗ trợ khoảng 300 doanh nghiệp từng bước cải thiện mức độ tuân thủ, đạt tỷ lệ 80% đơn vị tuân thủ trung bình và cao. Trong vòng 5 năm, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho rằng, nếu việc triển khai thí điểm được thực hiện hiệu quả thì chương trình sẽ tiếp tục nhân rộng, tiến tới tỷ lệ tờ khai luồng xanh đạt 80 - 90%. Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ là những “tuyên truyền viên” để phổ biến cho các doanh nghiệp khác trong cộng đồng, trong từng lĩnh vực ngành hàng, tiến tới tuân thủ, tự tuân thủ pháp luật hải quan.

"Thời gian qua vẫn có những khoảng cách nhất định giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Với chương trình này, ngành hải quan mong muốn 2 bên thu hẹp khoảng cách, thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy làm cơ sở tạo thuận lợi thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp" - ông Hoàng Việt Cường chia sẻ.

Là một trong những đơn vị triển khai thí điểm chương trình, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng khẳng định, việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để cải thiện, nâng mức tuân thủ. 

Ông Phạm Tiến Thành, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho rằng, bên cạnh các quyền lợi, các doanh nghiệp còn có trách nhiệm thực hiện đúng theo các nội dung biên bản đã ký kết như hợp tác với cơ quan Hải quan trong việc nâng cao tuân thủ pháp luật, phòng tránh vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với cơ quan hải quan… Để nâng cao hiệu quả của chương trình, Cục Hải quan Hà Tĩnh đã thực hiện xây dựng hệ thống đầu mối hỗ trợ từ cấp cục đến cấp chi cục, thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giải quyết vướng mắc theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với doanh nghiệp tham gia chương trình khi có yêu cầu. 

100% vướng mắc được giải đáp

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Hồ Ngọc Phan, căn cứ các tiêu chí lựa chọn đã được phê duyệt, Cục đã phối hợp với các cục hải quan tỉnh, thành phố lựa chọn 209 doanh nghiệp dự kiến tham gia Chương trình. Tính đến ngày 31.3.2023 (sau 6 tháng triển khai) đã có 207 doanh nghiệp tham gia tại 34/35 cục hải quan. Cục Hải quan Điện Biên là đơn vị duy nhất chưa có doanh nghiệp tham gia do chưa có doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí tham gia Chương trình.

Ngành hải quan hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Nguồn: ITN
Ngành hải quan hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Nguồn: ITN

Ông Hồ Ngọc Phan đánh giá, cơ bản các cục hải quan địa phương đã triển khai thực hiện nội dung hướng dẫn theo công văn 4470/TCHQ-QLRR ngày 25.10.2022 của Tổng cục Hải quan. Đó là tuyên truyền, phổ biến về chương trình; ghi nhận tư cách thành viên trên hệ thống của cơ quan hải quan; xây dựng kế hoạch hành động và báo cáo định kỳ; thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp thành viên Chương trình để kịp thời xử lý vướng mắc...

Đáng chú ý, nội dung quan trọng là hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được các đơn vị tập trung nguồn lực để thực hiện. Thời gian vừa qua, ghi nhận 80 đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên; 100% đề nghị này đã được các cục hải quan tỉnh, thành phố xử lý, hỗ trợ, giải đáp và doanh nghiệp không phát sinh thêm vướng mắc. Trong đó tập trung tại các địa bàn như Đồng Nai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Cao Bằng… Ngoài ra, một số đơn vị chưa phát sinh vướng mắc như Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, Bình Phước, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau…

Một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng đặt ra trong thời gian tới là tăng trên 20% số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình (so với kết quả thực hiện năm 2022). Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Hồ Ngọc Phan cho biết, để thực hiện được mục tiêu trên, đơn vị dự kiến các giải pháp trọng tâm như các cục hải quan địa phương phải bảo đảm nguồn lực quản lý khi mời doanh nghiệp tham gia; doanh nghiệp tham gia phải xuất phát từ mong muốn cải thiện mức độ tuân thủ và bảo đảm sự hợp tác tốt với cơ quan hải quan trong việc thực hiện kế hoạch hành động.

Đồng tình với mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, về loại hình, ngoài doanh nghiệp sản xuất nên xem xét thêm doanh nghiệp thuộc loại hình kinh doanh, đại lý làm thủ tục hải quan. Cùng với đó phải làm rõ, nổi bật hơn nữa những lợi ích của Chương trình mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Cục Quản lý rủi ro và các đơn vị cũng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm khác như sửa đổi tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cho phù hợp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; tăng cường công tác phối hợp; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Chương trình; nghiên cứu có những hình thức để ghi nhận tư cách doanh nghiệp là thành viên nhằm tạo thêm sự hấp dẫn, thu hút của Chương trình.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hải quan - Doanh nghiệp: Từ quan hệ quản lý sang đối tác tin cậy
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO