Hải Phòng: Điểm sáng chăm sóc người có công

- Thứ Tư, 04/09/2019, 09:02 - Chia sẻ
Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo cho các đối tượng là người có công (NCC) với cách mạng, trong những năm qua, thành phố luôn nỗ lực làm tốt công tác này bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.

Nâng mức trợ cấp cho người có công

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Trần Văn Huy cho biết, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến nay, thành phố có trên 220.000 người được công nhận là NCC với cách mạng, trong đó có 368 lão thành cách mạng (hiện còn sống 19 người); 550 cán bộ tiền khởi nghĩa (hiện còn sống 84 người); 2.569 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (69 mẹ còn sống); 29.791 liệt sĩ và 25.095 thương bệnh binh. Trong những năm qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chế độ chính sách ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ theo từng thời kỳ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác này.

Riêng từ năm 2012 đến nay, thành phố tập trung cao triển khai thực hiện Pháp lệnh phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (sửa đổi) và Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi); đã vinh danh danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 1.560 trường hợp; quyết định thực hiện chế độ thờ cúng liệt sĩ 22.021 trường hợp; giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày cho 2.223 trường hợp. Đối với người tham gia kháng chiến nghi bị nhiễm chất độc hoá học đã giám định y khoa cho 6.214 người để công nhận 1.012 người đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định; xác nhận, công nhận hàng trăm liệt sĩ không còn giấy tờ.


Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành thăm, tặng quà ông Nguyễn Xuân Hòa cán bộ tiền khởi nghĩa, phường Thành Tô, quận Hải An

Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi cho người có công như: Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần; bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ về giáo dục, đào tạo. Hàng năm, thành phố tổ chức điều dưỡng tập trung đối với 2.115 người, với kinh phí trên 4,69 tỷ đồng/năm; thực hiện chi điều dưỡng tại gia đình đối với 10.643 người, với kinh phí trung bình trên 11,81 tỷ đồng/năm…

Điều đáng nói là từ năm 2016 tới nay, mức hỗ trợ vật chất đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, NCC đều ở mức cao nhất cả nước. Thành phố luôn thực hiện nghiêm túc chế độ đãi ngộ dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ theo đúng chủ trương “Tận tay, đúng kỳ, đủ số”. Năm nay, nhân dịp Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, thành phố quyết định dành hơn 167 tỷ đồng (nhiều nhất từ trước đến nay) tặng quà cho gần 48.000 NCC, mỗi suất quà trị giá 3.500.000 đồng (gồm 3.300.000 đồng tiền mặt và 200.000 đồng tiền quà). Đây là mức tiền và quà tặng cao nhất từ trước đến nay, gấp hơn 3 lần năm 2016, hơn 1,5 lần so với năm 2017 và tăng khoảng 10% so với năm 2018, là nỗ lực rất lớn của Hải Phòng trong công tác tri ân các gia đình chính sách, NCC. Ngoài ra, nhân dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà 5 nhóm đối tượng người có công gắn với sự kiện lịch sử này, bao gồm: Cán bộ lão thành cách mạng (19 người), cán bộ tiền khởi nghĩa (84 người), Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (67 người), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (12 người) và Anh hùng lao động trong kháng chiến (2 người). Mức quà tặng chung cho các đối tượng NCC nêu trên là 5.000.000 đồng/người (bằng tiền mặt) và hộp quà bằng hiện vật trị giá 500.000 đồng, đây là mức quà tặng cao nhất từ trước đến nay so với mức quà tặng các nhóm đối tượng NCC khác từ nguồn ngân sách thành phố.

Tri ân bằng những việc làm thiết thực

Song song với việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC, Hải Phòng còn đẩy mạnh các hoạt động xây dựng “Nhà tình nghĩa”; lập Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ “tiết kiệm tình nghĩa”; ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở gia đình; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi. Nhiều chính sách an sinh của Hải Phòng đã “đi trước” so với nhiều tỉnh, thành phố khác như cuối năm 2018, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 32 hỗ trợ NCC xây mới, sửa chữa nhà ở, đồng thời thành phố có cơ chế hỗ trợ thêm vật liệu xây dựng gạch, xi măng giúp người có công có thêm điều kiện cải thiện nhà ở.

Cùng với đó, việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã mang lại những thành quả lớn lao, đã thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng. Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách. Toàn thành phố đã làm mới và sửa chữa được 18.123 nhà, trong đó làm mới 6.133 nhà, sửa chữa 11.990 nhà với tổng kinh phí 158,865 tỷ đồng.

Chia sẻ về công tác chăm lo người có công, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh, từ sau Đại hội XV Đảng bộ thành phố tới nay, Đảng bộ và toàn hệ thống chính trị thành phố đã có sự quan tâm sâu sắc tới việc thực hiện chính sách đối với các gia đình liệt sỹ, thương binh. Thực hiện chủ trương của Thành ủy là đầu tư cho công tác an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, NCC phải đi trước sự phát triển kinh tế. Mục đích lớn nhất của thành phố sẽ phấn đấu để không có gia đình thương binh, liệt sĩ nào còn trong diện hộ nghèo, và đều phải có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC đã được thành phố chỉ đạo quyết liệt trong việc đề nghị xác nhận, công nhận NCC với cách mạng đối với những trường hợp tham gia kháng chiến bị chết, bị thương, tồn sót trong các cuộc kháng chiến chưa được Nhà nước công nhận. Đến nay, số hồ sơ tồn đọng trong các thời kỳ kháng chiến cơ bản đã được giải quyết. Chủ trương, chính sách chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng đã được toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố ưu tiên thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Ngoài chế độ ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước, thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ có những chế độ ưu đãi cả về vật chất lẫn tinh thần, nhằm động viên, bù đắp vơi đi mất mát, hy sinh, để giúp NCC và thân nhân của họ yên tâm ổn định cuộc sống. Sự quan tâm, chăm lo đó càng làm sâu sắc thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với nước đang là điểm sáng tiêu biểu của thành phố.

Bài và ảnh: Bùi Linh - Sĩ Nghiêm