Hai kịch bản xuất khẩu tôm

- Thứ Bảy, 17/07/2021, 06:26 - Chia sẻ
Theo dự báo tại hội nghị trực tuyến về giải pháp phát triển ngành tôm ngày 16.7, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay có thể vượt 4,2 tỷ USD, tăng 12% nếu dịch Covid-19 được khống chế trong 2 tháng tới. Trường hợp cuối năm dịch mới ổn định thì khả năng đạt 3,8 - 4 tỷ USD.
6 tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD
Nguồn: ITN

Dù khó khăn, vẫn tăng trưởng

Tổng cục Thủy sản cho biết, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn. Ước kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đạt 1,5 tỷ USD (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD).

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hoài Nam, xuất khẩu tôm từ nay tới cuối năm vẫn tăng trưởng. Bởi lẽ nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng trở lại, đặc biệt là các thị trường như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…, trong khi nguồn cung từ một số quốc gia như Ấn Độ sẽ giảm do chịu tác động của dịch bệnh. Bên cạnh đó ngành tôm cũng có nhiều cơ hội về các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại. “Có hai kịch bản cho xuất khẩu tôm. Nếu khống chế được dịch bệnh trong 2 tháng tới, kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt 4,2 tỷ USD, tăng 12%. Nếu cuối năm dịch mới ổn định thì khả năng đạt 3,8 - 4 tỷ USD, tăng 9%”, ông Nam dự báo. 

Hiện, giá tôm nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm do nguồn cung dồi dào và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khó khăn trong thu mua, vận chuyển. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 15.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 250.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng, Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành tôm hiện gặp một số khó khăn như: Việc cấp mã xác nhận đăng ký cơ sở nuôi đạt kết quả chưa cao; giá thành sản xuất tôm vẫn nhỉnh hơn so với các nước trong khu vực; tôm giống, tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; hạ tầng nuôi tôm chưa bảo đảm... Cảnh báo an toàn thực phẩm, sự thay đổi quy định kiểm dịch của các nước nhập khẩu cũng là thách thức lớn. 

Nâng chất lượng nuôi để tăng sản lượng

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Chính phủ giao cho Bộ đến năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD. Trong năm 2021, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Để đạt được, cần giải quyết các bất cập của ngành tôm hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành; củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới.

Diện tích nuôi tôm hiện khoảng 740.000ha và rất khó tăng diện tích nuôi trồng để tăng sản lượng. Thậm chí Tổng cục Thủy sản cho biết, diện tích nuôi tôm năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh này, ông Tiến cho rằng, để tăng năng suất phải dựa vào nâng cao chất lượng nuôi; hạ giá thành con giống, thức ăn; kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh; đẩy mạnh chế biến với công nghệ cao và mở rộng thị trường.

Do yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm các thị trường ngày càng cao, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm và khuyến cáo người sản xuất tuân thủ theo yêu cầu của thị trường. Vụ Hợp tác Quốc tế thông tin kịp thời, phối hợp xử lý các rào cản ở thị trường nhập khẩu tôm. "Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thủ tục đất đai để làm căn cứ pháp lý cấp mã số vùng nuôi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc", ông Tiến cho biết.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - thủ phủ tôm của nước ta -  đề xuất Bộ Nông nghiệp hỗ trợ địa phương nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Cùng với đó, hồ sơ đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương như chủ hộ có nuôi trồng thủy sản trong vùng cho phép và đất không có tranh chấp với người khác thì xem như phù hợp. Đồng thời, có chính sách ưu đãi tín dụng đối với các hộ nuôi tôm, tạo thuận lợi để các hộ nuôi tôm được vay vốn tín dụng…

Hạnh Nhung