Hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và nhà nước
Ngày 12.4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để phục vụ xây dựng dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH-ĐT Nguyễn Đăng Trương cho biết, thời điểm hiện tại cả nước đã có 336 dự án thực hiện theo hình thức PPP. Trong đó, chiếm phần lớn vẫn là dự án BT (xây dựng - chuyển giao) với 188 dự án, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) 140 dự án và một số dự án kết hợp giữa BOT và BT.
![]() |
Quá trình thực hiện các dự án PPP thời gian qua đã xảy ra một số tồn tại, hạn chế do chưa có định hướng, chiến lược dài hạn, rõ ràng và thống nhất. Vẫn còn tình trạng chưa nhận thức đúng về PPP, làm PPP chỉ vì thiếu tiền, còn tư tưởng nóng vội trong triển khai, nhà nước chưa chủ động chuẩn bị dự án. Pháp lý về PPP chưa đầy đủ, rõ ràng và ổn định, thiếu cơ chế hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh manbj mẽ từ phía Nhà nước, vẫn còn vướng một số pháp luật liên quan như Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường... "Việc thực hiện dự án PPP chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong quá trình thực hiện do chủ yếu vẫn áp dụng các hình thức chỉ định nhà đầu tư, đồng thời hệ số tín nhiệm thị trường thấp, chưa tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài" – Ông Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, những công trình thực hiện theo hình thức PPP thời gian qua đã thành công, hoàn thiện sớm so với tiến độ, được thực hiện với giá thành thấp. Việc này cho thấy sự thay đổi về nhận thức, là động lực mới về quản lý xây dựng". Tuy nhiên, nguồn vồn đầu tư PPP phần lớn của các nhà đầu tư nhưng nhà nước lại đang coi như nguồn vốn của mình, áp đặt cách thức quản lý của nhà nước nên cản trở PPP rất nhiều.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, những quy định hiện hành về PPP được đánh giá là tương đối đồng bộ, có nhiều điểm mới phù hợp thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho việc triển khai và quản lý các dự án PPP. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách và pháp luật cần được tháo gỡ để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý trong việc triển khai các dự án PPP.
![]() Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng đóng góp ý kiến về những bất cập khi thực hiện đầu tư theo hình thức PPP |
Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, khi thực hiện các dự án PPP thì thực tế các điều khoản của hợp đồng thường bị thay đổi do phía Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo hướng có lợi cho Nhà nước, khiến nhà đầu tư thường bị động và không được làm chủ dẫn đến việc triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn. Dẫn chứng về việc này, ông Hồ Minh Hoàng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã đơn phương đề xuất xóa bỏ 1 trạm thu phí so với hợp đồng ban đầu mà không có sự thương lượng, bàn bạc.
Đồng thời, việc thay đổi cơ chế chính sách, quy định chưa phù hợp thực tiễn. Do thời gian thực hiện dự án PPP thường kéo dài, các chính sách pháp luật thường xuyên thay đổi khiến nhiều dự án gặp bế tắc, điển hình như Dự án Trung Lương Mỹ Thuận. Do đó, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, các quy định mới ra đời cần xây dựng trên nguyên tắc hỗ trợ các bên liên quan thực hiện Dự án và tôn trọng các quy định tại thời điểm ký Hợp đồng và không hồi tố. Việc xây dựng Luật PPP phải là đường bao pháp lý để các dự án PPP hạn chế bị ảnh hưởng bởi các quy định pháp luật khác, đồng thời nâng cao quyền chủ động của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án vì nhà đầu tư được chọn để đầu tư xây dựng và vận hành trong suốt vòng đời hàng chục năm. Khi đó, các cơ quan Nhà nước đóng vai trò xây dựng hành lang pháp lý, giám sát tính tuân thủ, hạn chế việc can thiệp trực tiếp như dự án vốn Nhà nước. Xem xét có cơ chế cho phép Nhà đầu tư thương thảo thời gian và mức thu phí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà đầu tư và nhà nước, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người dân trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ các dự án PPP.