Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Hài hòa giữa quản lý nhà nước và bảo vệ thông tin cá nhân

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:40 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS sáng qua, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành đề xuất mở rộng chủ thể được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Lý do là bởi, quy định này sẽ giúp cho người nhiễm HIV được tư vấn, chăm sóc, điều trị sớm, bảo đảm sức khỏe và dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, quy định này có thể dẫn đến tình trạng người nhiễm HIV lo ngại không được bảo mật thông tin cá nhân mà tránh sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị. Vì thế, dự luật rất cần hài hòa giữa công tác quản lý và quyền lợi của người nhiễm HIV.

 Mở quá rộng chủ thể tiếp cận thông tin?

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hiệu chứng chống suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Lo ngại chính sách này ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin cá nhân của người nhiễm HIV, nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt là quyền bảo mật thông tin cá nhân và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế. Trên tinh thần này, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định mang tính chất nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Nhấn mạnh đây là quy định rất quan trọng, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế, nhiều trường hợp người thân và người tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV cũng chưa biết người này bị nhiễm hay không nhiễm. Nếu người nhiễm HIV có ý thức tự giác, nhận thức được vấn đề thì dễ, nếu không, có thể làm lây lan sang cho người khác là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến người chăm sóc, quản lý và người thân cận của người bị nhiễm, cũng như toàn xã hội. Cho nên, việc tiếp cận được thông tin người nhiễm HIV quy định tại Điều 30, dự thảo Luật là hết sức cần thiết. Ví dụ như cha mẹ, vợ và người chuẩn bị đăng ký kết hôn, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người chăm sóc trực tiếp về y tế, những người tham gia tư vấn cho đối tượng này đều phải biết. Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa cũng tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra và lưu ý, để bảo đảm bí mật thông tin của người nhiễm HIV, để người nhiễm HIV không mặc cảm với xã hội mà sống vui tươi, lành mạnh, phải có tư vấn, khuyến khích về mặt tinh thần, tuyệt đối bảo đảm quyền bí mật thông tin của người nhiễm HIV.

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, dự thảo Luật quy định đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV gồm cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV/AIDS, giám định viên bảo hiểm y tế, cán bộ công nghệ thông tin, cán bộ làm công tác tài chính, kế hoạch của cơ sở khám, chữa bệnh là mở quá rộng. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS bởi lo sợ bị lộ thông tin.

Trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế, sau khi khảo sát ý kiến của 1.800 người nhiễm HIV, có 27,8% không đồng ý với quy định này. Mặc dù, một số nhóm cán bộ không được tiếp cận thông tin về người nhiễm có thể gặp khó khăn nhất định trong công việc, nhưng ĐB Triệu Thanh Dung tin rằng, khó khăn đó có thể khắc phục được. “Chúng ta nên đặt mong muốn, nguyện vọng của người nhiễm HIV lên trên hết, để tạo điều kiện tốt nhất trong điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV. Vì vậy, chỉ nên quy định cho phép một số cán bộ bảo hiểm y tế được quyền tiếp cận thông tin liên quan đến giám định hồ sơ bệnh nhân, để bảo đảm người nhiễm được khám, điều trị thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế”, đại biểu nêu quan điểm.

Bảo đảm bí mật thông tin người bị nhiễm

Sử dụng quyền tranh luận với các ý kiến chưa đồng tình mở rộng chủ thể tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) chỉ rõ, những người được quyền tiếp cận thông tin đều liên quan trực tiếp tới việc khám, chữa và điều trị cho người bị nhiễm HIV. Quy định này bảo đảm mục đích tránh lây nhiễm cho họ. Hơn nữa, trong thực tiễn, chúng ta không quy định những đối tượng này được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV thì họ cũng vẫn biết. Do đó, phải quy định trong luật thì mới quy được trách nhiệm của các đối tượng này. ĐB Nguyễn Mai Bộ đề nghị, các đại biểu “link” quy định này với Khoản 6, Điều 30, dự thảo Luật đã quy định rất rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết trách nhiệm, quy trình tiếp cận thông tin HIV tại Khoản 1, Khoản 2 điều này, bảo đảm bí mật thông tin cho người bị nhiễm. Trong hồ sơ dự án Luật cũng đã có dự thảo nghị định, thông tư quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.

Các ĐBQH Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng thống nhất với quy định thông báo và tiếp cận thông tin về kết quả xét nghiệm HIV dương tính tại Điều 30, dự thảo Luật. Đồng thời khẳng định, việc bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin cũng thống nhất với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, giúp cho người nhiễm HIV được tư vấn, chăm sóc, điều trị sớm, bảo đảm sức khỏe cho họ và dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết thêm, quy định này có thể hạn chế tính khả thi vì người dân lo ngại, sợ không được bảo mật thông tin cá nhân liên quan đến HIV mà tránh sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV. Do vậy, rất cần hài hòa giữa hiệu quả của công tác quản lý và quyền lợi của người nhiễm HIV.

Giải trình trước Quốc hội, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, theo quy định của Luật HIV/AIDS năm 2006, người nhiễm HIV được quyền giấu tên. Thực tế triển khai vấn đề này đã cho thấy nhiều bất cập. Thống kê cho thấy, có tới 25% trường hợp xét nghiệm HIV dương tính nhưng không được thông báo và không biết địa chỉ ở đâu, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cho việc triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm. Thực tế thời gian qua, nước ta rất thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 là vì chúng ta biết được nguồn lây, biết được khu vực và địa điểm để triển khai các biện pháp phòng, chống.

Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bắt buộc phải cung cấp tên, tuổi, địa chỉ cũng như thông tin của người nhiễm HIV. Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị bổ sung một số đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV nhưng vẫn phải bảo đảm tính bí mật theo quy định tại Điều 8, Điều 30, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006. Quy định như vậy không có nghĩa là cung cấp hay tiếp cận thông tin một cách rộng rãi. Bộ Y tế đã có quy định cụ thể ai được tiếp cận, thông tin gì được tiếp cận và thông tin đó được sử dụng cho mục đích gì, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định. 

Anh Thảo