Hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vỹ mô
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đối mặt với nhiều bất ổn như hiện nay, vấn đề được đông đảo chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách quan tâm là làm thế nào để chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phối hợp hài hòa giúp ổn định kinh tế vỹ mô.
Để các chính sách kinh tế vĩ mô được phối hợp hài hòa, theo PGs Ts Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, với tình hình Việt Nam hiện nay cần phải đặt sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều kiện mở cửa sâu rộng, khi các dòng vốn có thể chuyển dịch tự do giữa các thị trường, giữa các quốc gia. Nếu không có những cách tiếp cận mới, sự phối hợp liên kết giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô sẽ không rõ.
Hiện nay, bản thân chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng đang có những điểm kẹt riêng và nếu không tháo gỡ được thì sẽ không thể phối hợp tốt. Công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ Việt Nam hiện nay là lãi suất và chúng ta đã sử dụng công cụ này đến mức cao nhất. Có những mâu thuẫn được nhìn nhận khi sử dụng công cụ này. Hiện lãi suất danh nghĩa rất cao - cao nhất trong khu vực, thậm chí là thế giới nhưng lãi suất thực thấp nhất thế giới. Trong điều kiện lãi suất thực quá thấp thì dư địa để thực hiện các biện pháp này là không thể và đấy là điều để có thể nói phần hỗ trợ ở đây là chính sách tài khóa. Vấn đề đặt ra là sử dụng chính sách lãi suất đến thời điểm nào?
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến lãi suất ở Việt Nam cao như hiện nay là do chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Đối với các quốc gia trong khu vực thì mức chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư là dương, còn ở Việt Nam lại âm. Điều này khiến lãi suất đẩy lên cao cả ở thị trường tiền tệ và thị trường nợ công. Nhận định về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng: với những vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam, tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam có chênh lệch rất lớn. Lãi suất ở Việt Nam phải được nhìn nhận lại. Lãi suất của trái phiếu chính phủ đáng lẽ phải rất thấp nhưng ở Việt Nam có những thời điểm ngang bằng hoặc cao hơn lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng...
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bất ổn như hiện nay, sự phối hợp hài hòa giữa các chính sách kinh tế vĩ mô được đặt ra không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều quốc gia khác. Về lý thuyết, có thể biết được là phải làm những gì để các chính sách phối hợp tốt, nhưng trên thực tế lại không hề đơn giản. Vấn đề hiện nay là cần phải có một chính sách và chiến lược tài chính cụ thể để có thể trả lời được câu hỏi mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ như thế nào và chính sách tài khóa hay các chính sách thương mại khác ra sao để đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra.
Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, đến thời điểm hiện nay chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ để thấy rằng tăng 1% tiền cung ứng của NHNN hoặc 1% tăng lãi suất cơ bản của NHNN thì tác động như thế nào đối với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như tiết kiệm đầu tư? Khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống số liệu. Vì vậy ,cần tập trung giải quyết phối hợp chính sách vĩ mô xử lý được hệ thống số liệu quốc gia sao cho các bộ, ngành tiếp cận một cách đầy đủ nhất, rồi phân tích, đánh giá, xây dựng chương trình chính sách tiền tệ, cơ chế tác động chính sách tiền tệ... Trong môi trường biến động cần phải linh hoạt, đôi khi hành xử hơi trái với lý thuyết một chút mới xử lý được những vấn đề hiện tại...